Trước đó, cho tới ngày 21/11, các nước thuộc ASEAN trừ Myanmar đã đồng ý với Trung Quốc về việc cho phép đại diện của Myanmar tại Bắc Kinh tham gia hội nghị, ông Saifuddin nói, theo Reuters.
Nguyên nhân sự vắng mặt chưa được tiết lộ. Người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar không trả lời điện thoại của phóng viên Reuters.
Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing lên nắm quyền sau cuộc chính biến vào tháng 2. Ảnh: Reuters. |
Cuối tháng 10, ASEAN cũng không mời Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing tới dự cuộc họp thượng đỉnh giữa các nước thành viên. Thay vào đó, ASEAN sẽ mời một nhân vật phi chính trị từ Myanmar, Channel NewsAsia ngày 16/10 dẫn lời các nguồn tin.
Nguyên nhân là chính quyền quân sự Myanmar thiếu hợp tác trong việc thực thi Đồng thuận 5 điểm - bản kế hoạch hòa bình được các thành viên ASEAN nhất trí hồi tháng 4. Sau đó, Myanmar cũng từ chối cử đại diện cấp thấp tới hội nghị cuối tháng 10.
Từ khi xảy ra chính biến và quân đội lên nắm quyền lực vào tháng 2, Myanmar đã rơi vào tình trạng bất ổn. Một số lãnh đạo của chính quyền bị lật đổ đã bị đưa ra xét xử, trong đó có bà Aung San Suu Kyi.
Với sự tham gia của Chủ tịch Tập Cận Bình, hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN và Trung Quốc lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến, qua đó đánh dấu 30 năm quan hệ giữa hai bên.
Phát biểu tại hội nghị, ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ không cưỡng ép các nước láng giềng nhỏ hơn và sẽ không bao giờ theo đuổi bá quyền, theo Reuters.
“Trung Quốc đã, đang và sẽ luôn là người láng giềng tốt, người bạn tốt và đối tác tốt của ASEAN”, truyền thông Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập.