Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Anh mời ASEAN tới dự hội nghị G7 ở Liverpool, trừ Myanmar

Anh mời các nước Đông Nam Á - trừ Myanmar - dự cuộc họp ngoại trưởng G7 ở Liverpool, giữa lúc xuất hiện nhiều lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực.

“Tôi muốn chúng ta xây dựng một mạng lưới tự do toàn cầu nhằm thúc đẩy tự do và dân chủ, đồng thời khuyến khích các quốc gia có cùng chí hướng hợp tác với nhau”, Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết hôm 21/11.

Nước duy nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không được mời là Myanmar. Thay vào đó, quốc gia này được yêu cầu cử đại diện không thuộc chính quyền quân sự cầm quyền tham dự qua video.

Trước đó, các nước ASEAN cũng thông qua chính sách chỉ “mời một đại diện phi chính trị từ Myanmar” tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN và hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - ASEAN.

Lời mời các nước đến Merseyside, Liverpool tham dự cuộc họp ngoại trưởng G7 trong ba ngày, từ 10/12, được đưa ra chỉ một tuần sau khi vụ tấn công khủng bố xảy ra bên ngoài Bệnh viện Phụ nữ Liverpool.

Liverpool đã được chọn làm địa điểm tổ chức sự kiện trước khi vụ việc xảy ra. Có tới 21 bộ trưởng ngoại giao có thể tham dự cuộc họp lần này, bao gồm bộ trưởng các nước Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nam Phi.

ASEAN tham du G7 anh 1

Ngoại trưởng Anh Liz Truss. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc có thể coi việc mở rộng cuộc họp G7 là một nỗ lực nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước trong khu vực với hiệp định AUKUS, đồng thời thể hiện cách tiếp cận quân sự cứng rắn hơn đối với nước này.

Theo Guardian, các nước thuộc ASEAN đang bị chia rẽ về cách nhìn nhận mối quan hệ đối tác với AUKUS - liên minh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia.

Indonesia và Malaysia đã chỉ trích mạnh mẽ liên minh này có thể làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực, trong khi các quốc gia khác "bị kẹp" giữa cuộc cạnh tranh ngày càng leo thang giữa hai nước lớn Mỹ - Trung Quốc.

“Lập trường của chúng tôi là Đông Nam Á nên duy trì trạng thái phi hạt nhân, và lo sợ rằng điều này (AUKUS) sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang”, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết hiệp ước AUKUS có thể làm gia tăng căng thẳng, và giảm đối thoại trong khu vực, dẫn đến những sự cố không lường trước được trên Biển Đông.

ASEAN giữa cuộc cạnh tranh của các cường quốc

Các chuyên gia cho rằng ASEAN cần phát huy vai trò hơn nữa trước những thách thức tới từ các quan hệ hợp tác "tiểu đa phương" như AUKUS và QUAD.

Trung Quốc vận động để Myanmar cùng họp, ASEAN phản đối

Các quốc gia ASEAN phản đối việc Trung Quốc vận động để chính quyền Myanmar tham gia hội nghị thượng định Trung Quốc - ASEAN.

Minh An

Bạn có thể quan tâm