Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng yêu cầu ngân hàng '5 tăng, 5 giảm, 5 tăng tốc bứt phá'

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá, đặc biệt, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ ngày 14/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát định hướng chỉ đạo, điều hành với ngành ngân hàng năm nay bằng ba cụm từ: "5 tăng", "5 giảm", "5 tăng tốc, bứt phá".

"5 tăng, 5 giảm, 5 tăng tốc bứt phá"

Cụ thể, Thủ tướng nêu "5 tăng" gồm tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, thị trường tài chính; tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; và tăng cường giám sát kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.

Với chỉ đạo "5 giảm", Thủ tướng yêu cầu giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau"…

Chỉ đạo "5 tăng tốc, bứt phá" gồm tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; và tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Với định hướng trên, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả, gắn với bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng.

Quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Lãnh đạo cũng yêu cầu cơ quan quản lý ngành ngân hàng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất…

"Quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng lưu ý thêm, rút kinh nghiệm từ các gói tín dụng ưu tiên đã làm tốt và chưa tốt, tiếp tục ưu tiên cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp.

Ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay

Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện; có tín dụng phù hợp với lĩnh vực BOT, BT giao thông, các dự án trọng điểm, lĩnh vực xăng dầu; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách...

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng thông qua khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp.

giam lai suat cho vay anh 1

Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thực hiện nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng vay vốn.

Đối với các Bộ, ngành liên quan, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ.

"Rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp. Tập trung triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa", Thủ tướng yêu cầu.

"Các địa phương phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, người dân, doanh nghiệp. Ưu tiên nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dưới các hình thức phù hợp; tập trung ngăn chặn nạn tín dụng đen…", Thủ tướng yêu cầu.

Đối với các tổ chức kinh tế và người dân, Thủ tướng đề nghị thực hiện sản xuất kinh doanh đúng pháp luật, linh hoạt, thích ứng trong mọi hoàn cảnh, tiếp tục đổi mới công tác quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận vốn tín dụng và năng lực huy động vốn hợp pháp khác.

"Phối hợp cùng với Nhà nước cùng hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để sử dụng hiệu quả vốn tín dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh", lãnh đạo Chính phủ đề nghị.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm