Phát biểu chỉ đạo tại Phiên đối thoại chính sách diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 lần thứ 5 (HEF 2024) ngày 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong tổng thể chuyển đổi của Việt Nam có 3 nội dung chính, gồm chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Năm 2023, quy mô GDP của Việt Nam đạt khoảng 433 tỷ USD, đứng 34 trên thế giới, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất về quy mô thương mại quốc tế, thu nhập bình quân đầu người từ trên dưới 100 USD khi bắt đầu đổi mới tăng lên khoảng 4.300 USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm.
Trong 6 tháng đầu năm nay, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,42%. Ngay sau cơn bão Yagi, Chính phủ đã có các giải pháp khắc phục và dự kiến GDP cả năm đạt 7%.
TP.HCM gánh vác trọng trách, sứ mệnh lớn
Trong thành tựu của cả nước, Thủ tướng đánh giá TP.HCM luôn đi đầu trong đổi mới, luôn là trung tâm tăng trưởng, tiên phong trên nhiều lĩnh vực, trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.
Qua tham dự diễn đàn, Thủ tướng đồng tình cao với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại TP.HCM, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, ngang tầm lịch sử, người dân năm sau luôn được hạnh phúc, ấm no hơn năm trước, phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa kinh tế, xã hội, môi trường.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc chuyển đổi công nghiệp không chỉ là nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống như cơ khí chế tạo hay hóa chất, mà còn phải phát triển các ngành công nghiệp mới, với những khái niệm mở rộng bao gồm kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và kinh tế ban đêm.
"Để thực hiện quá trình chuyển đổi, chúng ta cần phải hiểu công nghiệp theo nghĩa toàn diện và bao trùm, chứ không phải cách chúng ta hiểu khái niệm công nghiệp như trước đây", Thủ tướng nhấn mạnh.
Muốn thực hiện chuyển đổi công nghiệp, Thủ tướng nêu rõ phải xây dựng và hoàn thiện thể chế. Vừa qua, TP.HCM đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Cùng với đó, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; quản trị thông minh. Ngoài ra phải có các giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, việc này TP.HCM có điều kiện làm được và phải làm bằng được.
"Về trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành, phải xây dựng thể chế cùng TP.HCM; ưu tiên về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực của TP; xây dựng chiến lược chung cho cả nước, trong đó có chiến lược riêng, cơ chế đặc thù với TP.HCM vì TP gánh vác trọng trách, sứ mệnh nhiều hơn, cao hơn", Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ đồng thời cho rằng TP.HCM phải xây dựng hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Việt Nam cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, trốn thuế...", Thủ tướng nói.
Thủ tướng mong các đối tác phát triển ủng hộ TP.HCM và Việt Nam về ưu đãi tài chính; từng bước chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu; góp phần đào tạo nhân lực; nâng cao năng lực quản trị hiện đại, thông minh; góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng nhấn mạnh trong quá trình phát triển sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn cần giải quyết, những khó khăn, thách thức cần vượt qua. Điều quan trọng là cùng lắng nghe, thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển, cùng có niềm vui, hạnh phúc và tự hào.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị TP.HCM và các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát các ý kiến, tham luận, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia, nhà khoa học để sớm giải quyết, xử lý và tiếp thu, hoàn thiện cơ chế, chính sách.
5 lợi thế và 7 ưu tiên hành động của TP.HCM
Phát biểu bế mạc HEF 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu các chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo Chủ tịch Mãi, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam cũng đã chỉ ra rằng muốn chuyển đổi công nghiệp thành công, ngoài quyết tâm của lãnh đạo, cần có cách tiếp cận linh hoạt nhưng quyết liệt, một chiến lược bài bản, khả năng quản trị thực thi cao, hành lang pháp lý thông thoáng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả.
Ông Mãi nhận định rằng cách tiếp cận linh hoạt là phù hợp với TP.HCM, nơi có khoảng 300.000 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, sự linh hoạt giúp thích ứng với từng ngành, lĩnh vực và trình độ phát triển khác nhau, trong khi tính quyết liệt sẽ đảm bảo thay đổi triệt để, tránh tụt hậu.
Đánh giá tình hình của TP.HCM hiện nay, ông Mãi cho rằng TP có 5 lợi thế và cơ hội nổi trội để thực hiện quá trình chuyển đổi công nghiệp.
Thứ nhất, TP.HCM đã thu hút nhiều nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo, sản xuất thông minh nhờ tạo dựng được hạ tầng cứng và hạ tầng mềm phát triển vượt trội so với cả nước.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn đã có văn phòng, nhà máy đầu tư và triển khai các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và Internet vạn vật (IoT) tại TP.
Thứ hai, TP.HCM là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và thuộc top đầu cả nước về chuyển đổi số. Kinh tế số của TP năng động và có tốc độ phát triển cao; nhiều mô hình về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng sạch đang được triển khai hiệu quả.
Bên cạnh đó, TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, có vị trí địa lý chiến lược tại Đông Nam Á và sức mua lớn từ hơn 10 triệu cư dân, với tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng.
Mặt khác, TP còn là nơi hội tụ nhân tài từ khắp cả nước, với nguồn lao động có trình độ chuyên môn cao và tay nghề vững vàng.
Cuối cùng, TP.HCM đang có ưu thế lớn của một địa phương đang được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Theo ông Phan Văn Mãi, trong báo cáo quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, TP đặt mục tiêu theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa, công nghiệp sạch và thân thiện với môi trường.
Hiện TP đang xây dựng chiến lược cụ thể về kinh tế xanh, đã ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và có nhiều chính sách ưu đãi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, trong phát biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nêu 7 ưu tiên hành động của TP để đạt được thành công trong quá trình chuyển đổi công nghiệp, bao gồm tập trung vào ngành trọng điểm, thúc đẩy công nghệ mới, nâng cao năng lực doanh nghiệp, phát triển chuyển đổi số, tăng cường hợp tác quốc tế, và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng với cách tiếp cận linh hoạt nhưng quyết liệt, chiến lược có trọng tâm, hành lang pháp lý thông thoáng, chính sách hỗ trợ cụ thể, cùng với quyết tâm của lãnh đạo TP và sự ủng hộ của Chính phủ, TP.HCM chắc chắn sẽ thực hiện thành công quá trình chuyển đổi công nghiệp quan trọng này.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.