Hình ảnh vệ tinh của bão Noru khi quét qua đảo Luzon (Philippines) và tiến vào Biển Đông. Ảnh: NCHMF. |
Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trước những diễn biến phức tạp của bão Noru khi áp sát đất liền, người đứng đầu Chính phủ đã dành thời gian chỉ đạo về công tác ứng phó với cơn bão số 4 - bão Noru.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức gió có thể đạt tới cấp 13-14, giật cấp 16, tốc độ di chuyển nhanh.
Dự báo, chiều tối ngày 27/9, bão ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm từ Quảng Trị đến Bình Thuận.
Trước lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại cơn bão Durian xuất hiện vào cuối năm 2006 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, với khoảng 10.000 tỷ đồng ở thời điểm đó.
Do đó, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, nhất là tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Dự báo đường đi của bão số 4 Noru trên Biển Đông. Ảnh: VNDMS. |
Thủ tướng cũng cho biết ông vừa gọi điện cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung và được báo cáo là ở nhiều nơi vẫn "trời quang mây tạnh".
"Điều này có thể khiến nhiều người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác", Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến của bão.
Trong đó, các đơn vị cần khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…
Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa, bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản của người dân, của Nhà nước trong bối cảnh thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão Noru có thể đạt cường độ mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 17 trên vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi vào sáng 28/9. Ảnh hưởng của bão, miền Trung bắt đầu mưa lớn từ chiều 27/9 với lượng mưa lên tới 200-300 mm, có nơi trên 350 mm.
Hiện, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với tổng số gần 214.000 hộ tương ứng trên 868.000 người. Trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán hơn 93.000 hộ với khoảng 369.000 người tùy theo diễn biến của bão.
Chiều 25/9, Thủ tướng cũng ban hành công điện yêu cầu các địa phương và bộ, ngành khẩn trương ứng phó trước diễn biến của bão Noru.
Siêu bão Noru
Nỗi sợ lũ về trong đêm của người miền Trung
2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, kéo dài suốt một ngày. Nhiều nhà dân trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài sản chôn chặt dưới lớp bùn đặc.
Sự bất thường của siêu bão Noru
Giới khoa học cho rằng trong tương lai, cường độ bão trở nên khó dự đoán hơn. Điều này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nước biển ở Huế đổi màu bất thường sau bão Noru
Sau bão Noru, bờ biển xã Lộc Vĩnh xuất hiện màu nước khác thường. Người dân nghi ngờ việc nước biển màu nâu đỏ có thể do nước thải từ bãi tập kết dăm gỗ gần đó gây ra.
Lời cảnh báo cho cả thế giới từ hai siêu bão
Trước lời cảnh báo về việc thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, thế giới được cho vẫn làm chưa đủ để tự bảo vệ mình, đặc biệt khi hành tinh tiếp tục nóng lên.
Sạt lở chia cắt tỉnh lộ ở Quảng Nam, 6.000 người bị cô lập
Tuyến ĐT601 của tỉnh Quảng Nam sạt lở khiến 6.000 người thuộc 4 xã vùng biên giới bị cô lập.