Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Tổng động viên mọi nguồn lực để phát triển đất nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hiện tại là lúc cần tổng động viên mọi nguồn lực để phát triển đất nước, hiện thực hóa khát vọng hùng cường vào năm 2045.

Trước chủ tịch và CEO của hơn 50 tập đoàn, tổng công ty hàng đầu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khởi xướng chương trình đối thoại thường niên 2045 vào chiều 6/3. Đây là lần thứ tư trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong nước.

Điểm khác biệt của đối thoại năm nay được Thủ tướng nhấn mạnh là bắt đầu cho một chương trình đối thoại thường niên giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với cộng đồng giới tinh hoa trong nước, để hiện thực hóa khát vọng 2045.

Cuộc đối thoại năm nay được tổ chức tại TP.HCM với chủ đề: “Việt Nam - 2045”. Theo đó, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII xác định đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo nhiều chuyên gia, đây là một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đều đặn hàng năm.

Lắng nghe những giải pháp phát triển

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn đã tham dự sự kiện, như Chủ tịch Thaco, Chủ tịch Vietjet, Chủ tịch EVN, Chủ tịch Sacombank, Chủ tịch Novaland, Chủ tịch REE, CEO VinFast…

Mở đầu đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau Đại hội Đảng XIII, Chính phủ có ý tưởng tổ chức đối thoại 2045, nhằm mục tiêu lắng nghe ý kiến của giới tinh hoa, đặc biệt là các trí thức và doanh nhân.

“Chúng tôi muốn trao đổi ý kiến, đóng góp chiến lược để hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu 2045”, Thủ tướng nói.

thu tuong doi thoai voi doanh nghiep anh 1

Thủ tướng phát biểu mở đầu cuộc đối thoại. Ảnh: Chí Hùng - Việt Đức.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần lắng nghe những giải pháp phát triển, hiến kế phát triển đất nước trong bối cảnh mới của toàn cầu và Việt Nam hiện nay. Ông nhấn mạnh Việt Nam là đất nước đối mặt nhiều rủi ro về thiên tai, địch họa, gặp nhiều trở ngại khó khăn rất lớn trong phát triển.

Tuy nhiên, sau 35 năm đổi mới, đặc biệt là những nhiệm kỳ gần đây, Việt Nam đạt nhiều thành công trên các lĩnh vực như kinh tế vĩ mô ổn định, cán cân nền kinh tế được giữ vững, đời sống nhân dân được cải thiện, niềm tin của nhân dân ngày càng được củng cố.

Quy mô kinh tế đã cải thiện đáng kể, Việt Nam đạt quy mô GDP thứ 40 thế giới, tuổi thọ bình quân đã vươn lên bằng với nhiều nước tiên tiến. Số học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế cũng ngày càng nhiều.

“Chúng ta thấy được sự phát triển, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tập đoàn kinh tế tư nhân. Trong hội trường này, 5 năm trước chúng ta không thể nghĩ đến sự phát triển vượt bậc như vậy”, Thủ tướng nói.

Giải phóng nguồn lực

Tuy vậy, Thủ tướng cũng nhắc đến những thách thức đặt ra trong thời gian tới. Thứ nhất, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn kém, thuộc nhóm trung bình thấp, các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững chưa vững chắc. Quy mô tính theo GDP đầu người còn nhỏ so với nhiều nước khu vực và thế giới.

Thứ hai, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra chậm, năng lực cạnh tranh của ngành, quốc gia vẫn ở mức trung bình của thế giới. Thứ ba, các nút thắt phát triển chưa được giải quyết căn bản, năng suất lao động còn thấp; quản trị quốc gia, quản trị thành phố lớn còn nhiều vấn đề.

thu tuong doi thoai voi doanh nghiep anh 2

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải có doanh nghiệp lớn mạnh, có sức cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, có nhân lực chất lượng cao, giải phóng nguồn lực. Ảnh: Hoàng Hà.

Thứ tư là thách thức ngày càng lớn hơn tư thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cực đoan…

Tuy vậy, Thủ tướng tin tưởng niềm tin vững chắc về một Việt Nam vẻ vang, sánh vai cường quốc 5 châu, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải có doanh nghiệp lớn mạnh, có sức cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, có nhân lực chất lượng cao, giải phóng nguồn lực.

“Cần tổng động viên mọi nguồn lực để phát triển đất nước, cả quốc tế và toàn cầu, người Việt Nam ở nước ngoài và gần 100 triệu dân trong nước”, ông nói.

Nhân đây, Thủ tướng cũng khởi xướng chương trình đối thoại 2045 thường niên. Thông qua đối thoại, Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ lắng nghe và hành động về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045, như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.

Đối thoại sẽ được tổ chức với nhiều chủ đề như văn hóa, xã hội, môi trường, kinh tế, an ninh quốc phòng. “Tôi tin rằng trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tinh thần tiến với Việt Nam 2045. Tôi chính thức công bố chính thức chương trình đối thoại 2045 lần đầu tổ chức tại TP.HCM”, ông nói.

Việt Đức - Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm