Buổi tọa đàm nhằm thể hiện quyết tâm chung sức, đồng lòng hướng tới mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra.
Đây là lần thứ 4 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. "Hội nghị Diên Hồng" với doanh nghiệp được tổ chức lần đầu tiên năm 2016, ngay sau khi Thủ tướng nhậm chức. Lắng nghe những ý kiến, đề xuất của giới kinh doanh, Chính phủ sau đó đã lần đầu tiên ban hành nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (Nghị quyết 35).
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2020. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Đến cuộc đối thoại năm 2017, Thủ tướng khẳng định đã ký Chỉ thị 20, yêu cầu các cơ quan không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, và thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Hành động này được đánh giá đã “gãi đúng chỗ”, giúp doanh nghiệp tiết giảm nhiều thời gian, chi phí, tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nối tiếp hiệu quả của những buổi đối thoại trước đó, hội nghị năm 2019 mang đến sự đồng thuận giữa người đứng đầu Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong việc chấm dứt tình trạng dùng quyền lực mềm hù dọa doanh nghiệp, không đẩy cái khó về doanh nghiệp, nhằm xây dựng một lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, làm nền tảng cho một nền kinh tế hùng cường. Sự kiện ghi nhận khoảng 3.000 người tham dự, kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ.
Gần đây nhất, năm 2020, năm được đánh giá là thành công nhất trong 5 năm qua, hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp còn được tổ chức theo cả 2 hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp, thu hút sự tham gia của khoảng 800.000 doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước.
Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và yêu cầu các cấp chính quyền tháo gỡ nhanh nhất các kiến nghị, khó khăn để không làm lỡ thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với cộng đồng doanh nhân, Thủ tướng cũng yêu cầu không trông chờ, ỷ lại, cần tái cơ cấu mạnh mẽ, nâng cao quản trị để phát triển bền vững và áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để nâng cao sản xuất, cạnh tranh.
“Doanh nghiệp cần phải có ‘3 giữ’ là giữ lao động, giữ vững và phát triển thị trường và nhất là giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam”, Thủ tướng gửi gắm đến cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh "bình thường mới" sau đại dịch Covid-19.