Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam tăng hạng về quyền lực mềm toàn cầu

Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trên bảng xếp hạng.

Năm 2021, Brand Finance, công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới có trụ sở tại London (Anh) thực hiện một cuộc khảo sát với 75.000 chuyên gia và công chúng từ 102 nước nhằm đánh giá về quyền lực mềm của các quốc gia.

Theo đó, Việt Nam tăng 2,5 điểm, được nâng 3 bậc từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Brand Finance cho rằng Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu.

Viet Nam tang hang ve quyen luc mem toan cau anh 1

Việt Nam tăng 3 hạng trên bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

"Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam", đơn vị đánh giá.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết Việt Nam sẽ xây dựng định hướng chiến lược về phát huy sức mạnh mềm một cách bài bản, dài hạn trong thời kỳ mới, đặc biệt trong kỷ nguyên số.

Đồng thời, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động sẽ được nâng cao, qua đó thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển khoa học và công nghệ.

"Bên cạnh việc xây dựng, phát huy sức mạnh mềm, Việt Nam cũng cần tăng cường, hoàn thiện sức mạnh cứng để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, đó chính là 'sức mạnh thông minh' trong thời đại mới, để nâng tầm hội nhập sâu rộng và hiệu quả, phát huy vị thế mới về địa chiến lược, địa kinh tế của đất nước", ông Vũ Bá Phú chia sẻ.

Kết quả về Chỉ số quyền lực mềm của các quốc gia được tổng hợp từ nhiều tiêu chí, gồm tính phổ biến của thương hiệu quốc gia, ảnh hưởng tổng thể, danh tiếng tổng thể của quốc gia, khả năng ứng phó của quốc gia trước dịch bệnh Covid-19 và hiệu suất trên 7 trụ cột của quyền lực mềm (kinh doanh và thương mại, quản trị, quan hệ quốc tế, văn hóa và di sản, truyền thông và báo chí, giáo dục và khoa học, con người và giá trị).

Trước đó, báo cáo Nation Brands 2020 của Brand Finance cũng cho thấy Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhất thế giới khi tăng tới 29% so với năm trước, lên 319 tỷ USD. Thứ hạng của Việt Nam cũng cải thiện từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất của đơn vị này.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm