Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Theo đó, mục tiêu phát triển được sửa đổi, nêu rõ đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP sẽ đạt 5-6%, với tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%. Khi đó, xếp hạng chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) đạt 50 trở lên.
Đến năm 2025, dịch vụ logistics sẽ đóng góp 5-6% GDP. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Hiện nay, dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 12-14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018 cũng xếp hạng chỉ số LPI của Việt Nam ở mức 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.
Đáng chú ý, theo lộ trình được đặt ra, đến năm 2025, chi phí logistics sẽ giảm xuống tương đương 16-20% GDP. Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2020 vừa qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhận định chi phí logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Nguyên nhân cơ bản là do công tác quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực chưa có sự kết nối chặt chẽ, đồng thời cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn hạn chế, việc kết nối với các nước trong khu vực còn chậm. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistics chưa thực sự hiệu quả.
Đặc biệt, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam chưa có doanh nghiệp lớn, cung ứng đồng bộ các dịch vụ logistics, chưa kể nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng yêu cầu.