Chỉ ít ngày sau khi được Quốc hội bầu vào vị trí người đứng đầu Chính phủ vào năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức gặp gỡ và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Cuộc gặp gỡ được ví như "hội nghị Diên Hồng" nhằm lắng nghe và giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường làm ăn, kinh doanh thuận lợi.
Việc duy trì đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc duy trì đều đặn trong nhiệm kỳ của mình, thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó 2 hội nghị đã tổ chức ở Hà Nội, một hội nghị tại TP.HCM. Hội trường Thống Nhất tại TP.HCM, nơi tổ chức hội nghị lần đầu vào năm 2016, một lần nữa sẽ chứng kiến cuộc gặp của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp vào chiều 6/3.
Điều đặc biệt của hội nghị lần này là được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng XIII với chủ đề rất rõ ràng: "Việt Nam - 2045". Đây là lần đầu tiên một hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp có chủ đề rõ ràng. Chủ đề này lại càng "thời sự" hơn khi người đứng đầu Chính phủ muốn cộng đồng doanh nghiệp và trí thức "hiến kế" để hiện thực hóa mục tiêu thịnh vượng 2045, điều đã được Đại hội XIII vạch ra.
Khát vọng 2045
Những năm 1970-1980, cả châu Á trầm trồ thán phục kỳ tích 6.000 ngày của Nhật Bản. Từ một quốc gia bị tàn phá nặng nề sau Thế chiến II, Nhật Bản vươn lên trở thành một trong những nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giai đoạn 1955-1973, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh, bình quân khoảng 10%/năm, được coi là "kỳ tích" mà khó có nước nào sau này đạt được.
Bài học của Nhật Bản được nhiều người nhắc đến như là một ví dụ, để cổ vũ Việt Nam hoàn toàn có thể làm nên kỳ tích, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng vào năm 2045. Đại hội Đảng XIII được tổ chức vào tháng 1 đã xác định tầm nhìn xa 25 năm tới với những mốc cụ thể vào năm 2025, 2030 và 2045.
Theo đó, 5 năm nữa, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, khi đó Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Lúc này, mục tiêu GDP bình quân đầu người sẽ vượt 12.000 USD, vượt xa mức 2.750 USD vào năm 2020.
Như vậy, từ nay đến năm 2045, Việt Nam còn khoảng hơn 9.000 ngày để thực hiện khát vọng của mình. Để thực hiện khát vọng này, GDP của Việt Nam phải tăng trưởng đều đặn 7-8%/năm. Đó được coi là một mục tiêu tăng trưởng cao giữa bối cảnh thế giới biến động và nhiều thách thức.
Tìm động lực để đất nước tăng trưởng nhanh, tăng trưởng đều đặn là điều mà Chính phủ nỗ lực rất cao trong nhiệm kỳ 5 năm qua. Động lực đó là việc Chính phủ đặt niềm tin vào kinh tế tư nhân, coi là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Đó là việc tận dụng mạnh mẽ cơ hội của khoa học, công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đều đặn trong 25 năm tới, Chính phủ sẽ cần nhiều giải pháp và nỗ lực hơn nữa. Việc ít ngày sau khi Đại hội XIII kết thúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ với giới doanh nhân và trí thức, để tham vấn, nghe "hiến kế" để hiện thực hóa "khát vọng 2045" được coi là một sự kiện quan trọng.
Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao đang là thách thức đặt ra với nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Do vậy, cách làm, cách đi trong bối cảnh hiện nay sẽ đóng vai trò quyết định cho mục tiêu trong tương lai.
Doanh nghiệp là "đầu tàu"
Những ngày đầu năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư thăm hỏi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Trong thư, ông nhắc đến 2 từ khóa quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam là "tiên phong" và "khát vọng thịnh vượng 2045".
"Tôi tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần hiện thực hóa vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần hiện thực hóa khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045", Thủ tướng viết.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng doanh nghiệp trong nước đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định cho việc hiện thực hóa mục tiêu 2045.
Ông Lộc nhắc đến bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cộng đồng doanh nhân vào năm 1945: "Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này".
Theo đó, ngày từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho rằng một đất nước thịnh vượng thì ở đó có các doanh nghiệp lớn. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp chính là động lực quan trọng, giúp đất nước hùng cường.
"Tôi tin rằng doanh nghiệp là đầu tàu quan trọng cho đích đến 2045", ông Lộc nói.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng khu vực kinh tế tư nhân có sự năng động, sức bật lớn. Kinh tế tư nhân cũng đóng góp cho đất nước phát triển một cách đồng đều, giúp giải quyết bài toán lao động, an sinh xã hội, đóng góp vào ngân sách... Do đó, khu vực này phải được quan tâm và trao cơ hội.
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục gặp gỡ và nghe "hiến kế" của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy Chính phủ lắng nghe và coi trọng khu vực này trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đã được vạch ra tại Đại hội Đảng XIII.
Phân tích sâu hơn, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh khu vực kinh tế tư nhân đang cho thấy việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Đây là khu vực mà có thể giúp nâng cao năng suất cho nền kinh tế, ứng dụng nhanh và mạnh mẽ khoa học công nghệ, khu vực dễ dàng thích ứng và chuyển đổi khi có các biến động...
"Khu vực này phải được trao cơ hội và phát huy mạnh mẽ hơn nữa", ông nói.
"Sếu đầu đàn"
Trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi: "25 năm nữa, Việt Nam có các đế chế như Google, Alibaba hay không?". Người đứng đầu Chính phủ cho rằng đến năm 2045, khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thịnh vượng, thì Việt Nam cũng phải có những công ty lọt top 500 thế giới.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ nền kinh tế có những doanh nghiệp lớn mạnh cũng giống như có những "con sếu đầu đàn". Việc có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, trở thành những "con sếu đầu đàn" là điều mà Chính phủ luôn ưu tiên.
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh việc phát triển doanh nghiệp Việt Nam nâng cao về chất lượng, thay vì số lượng là điều rất quan trọng. Một nền kinh tế càng lớn mạnh, sẽ càng có nhiều doanh nghiệp lớn, như vậy thì khát vọng 2045 sẽ ngày càng dễ hiện thực hóa.
Hiện tại, 98% doanh nghiệp Việt Nam vẫn có quy mô vừa, nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Ông Lộc cho rằng muốn doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, thì Chính phủ phải có "bàn tay" hỗ trợ. Cái mà doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều nhất chính là vấn đề thể chế, có môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng, được tiếp cận các nguồn lực cho phát triển một cách công bằng.
"Con tàu muốn đi nhanh thì phải xóa bỏ các lực cản. Môi trường đầu tư thông thoáng là điều rất quan trọng", ông Lộc nói.
Thể chế là vấn đề Chính phủ cần ưu tiên để phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Nói với Zing, Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường mong muốn Chính phủ ngày càng có những cải cách sát sườn với hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách huy động vốn, tín dụng, đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Trong khi đó, Phó chủ tịch FLC Hương Trần Kiều Dung đề xuất Chính phủ có hành lang phát triển cho những doanh nghiệp tư nhân lớn, đặc biệt là doanh nghiệp trong các lĩnh vực mũi nhọn, có thể đóng góp tối đa vào sự đi lên bền vững của nền kinh tế.
TS Bùi Quang Tuấn cho rằng Chính phủ có rất nhiều việc phải làm để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, với mục tiêu quan trọng vào năm 2045. Riêng với "đầu tàu" là cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ cần có những chính sách đột phá hơn nữa, để tận dụng cơ hội và sự năng động của khu vực này. Đó cũng là chìa khóa giúp thực hiện nhanh khát vọng 2045.
Thay đổi, cải cách, sẵn sàng cởi bỏ rào cản là điều mà cộng đồng doanh nghiệp đã nhìn thấy hành động của Chính phủ sau 3 cuộc gặp trước đây. Đó cũng là điều khiến những cuộc gặp của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp luôn được chờ đợi.
Cuộc gặp năm nay sẽ lại càng đáng chờ đợi hơn khi nó sẽ mở đầu cho một thời kỳ mới, bắt đầu "chuyến đi" hơn 9.000 ngày đến năm 2045. Và chuyến đi đó đang cần một đầu tàu để tăng tốc.