Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thường trực Thành ủy Hà Nội sáng 6/5, nhiều nội dung liên quan đến việc đầu tư các dự án giao thông, đường sắt đô thị được lãnh đạo Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đặt ra.
Bên cạnh những đề xuất chung về dự án vành đai 4, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh đưa thêm 7 kiến nghị cụ thể với Chính phủ về các tuyến đường sắt đô thị.
Sẽ tháo gỡ vướng mắc về cơ chế đặc thù khi làm vành đai 4
Theo ông Thanh, ngoài tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang khai thác, tuyến Nhổn - ga Hà Nội đang thi công, Hà Nội còn 7 tuyến (số 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8) chưa được triển khai.
Trên cơ sở đó, thành phố kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng quyết định cụ thể về chủ trương đầu tư, nguồn vốn, cho ý kiến về chủ trương đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục, đầu tư xây dựng các dự án trên.
Riêng với dự án Nhổn - ga Hà Nội, thành phố kiến nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư trong tháng 5 và cho phép UBND thành phố được thực hiện thanh toán từ nguồn vốn ứng trước của ngân sách thành phố.
Việc này nhằm giải ngân thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn của dự án trong thời gian hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và gia hạn các khoản vay ODA của dự án.
Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, GTVT nêu các nội dung, kiến nghị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: VGP. |
Liên quan vấn đề giao thông và phát triển kết cấu hạ tầng của Hà Nội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết thời gian qua, Trung ương và thành phố đã ưu tiên tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông như vành đai 1, vành đai 2 cùng nhiều công trình khác.
Cùng với đó, Trung ương quan tâm và đã đầu tư, hoàn thành 6 cao tốc như: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Hải Phòng…
"Đây cũng là yếu tố để giúp Hà Nội tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, giảm ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế cho thủ đô cũng như các địa phương khác", ông Thắng nhìn nhận.
Liên quan kiến nghị của Hà Nội về dự án PPP, cơ chế đặc thù đối với dự án đường vành đai 4, tuyến đường sắt đô thị số 6, phát triển nhà ở xã hội... Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cơ quan này sẽ bàn bạc với các bộ ngành liên quan để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc.
Ông Phớc bày tỏ quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố và đề nghị Hà Nội tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để tháo gỡ cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trong khi đó, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng về công tác quy hoạch, Hà Nội cần tiếp tục tăng cường quan tâm về quy hoạch chung trong xây dựng và lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo sớm hoàn thành nhiệm vụ này.
Đồng thời, Hà Nội nên rà soát lại quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để có điều chỉnh bổ sung phù hợp, đảm bảo tính khả thi.
Liên quan dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội với tiến độ hiện đạt hơn 60%, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng thành phố cần hoàn thành thủ tục về việc chấp thuận các hạng mục công trình phòng cháy chữa cháy, thủ tục đăng kiểm, sớm đẩy nhanh công tác tuyển dụng đào tạo nhân sự…
Yêu cầu Hà Nội tập trung vào 3 động lực tăng trưởng
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Hà Nội liên quan đầu tư xây dựng vành đai 4, các dự án đường sắt đô thị, phát triển nhà ở, đất đai...
Thủ tướng nhấn mạnh 3 nguyên tắc giải quyết các kiến nghị này đó là: Bộ trưởng trực tiếp giải quyết vấn đề thuộc thẩm quyền; các bộ phối hợp với Hà Nội đề xuất việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ; bảo đảm khả thi, hiệu quả, đúng hạn, kịp thời.
Trong đó, Hà Nội được yêu cầu rà soát, thống kê công việc đang vướng mắc, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/5.
Với các dự án đường sắt đô thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý vướng mắc liên quan tới dự án; Bộ Tài chính xử lý vướng mắc về vốn; Bộ Giao thông Vận tải xử lý vướng mắc liên quan tới hướng tuyến.
Các công việc trên cần được hoàn thành trong quý II/2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP. |
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Hà Nội tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ; nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thành phố; phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Cùng với đó, thành phố cần khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn 2065.
Quy hoạch đô thị cần được triển khai tốt, vừa hiện đại và bản sắc, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Hà Nội thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về miễn, giảm, thuế, phí lệ, phí, tiền thuê đất... theo thẩm quyền.
Trong bối cảnh lạm phát trên cả nước vẫn được kiểm soát và giảm dần theo các tháng, Hà Nội cần ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), tăng cả cung và cầu.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Hà Nội cũng cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; chú trọng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết ngay những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.