Nội dung trên được Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ngày 27/4.
Tại hội nghị này, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND Hà Nội, ông Tuấn báo cáo tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm về Định hướng nghiên cứu đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp tục chủ trương giãn dân khỏi nội đô
Ông Tuấn cho biết thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu chương trình phát triển đô thị đối với mô hình thành phố trực thuộc thủ đô; làm rõ 5 trục không gian phát triển chính.
Đối với việc nghiên cứu sân bay thứ hai, theo Phó chủ tịch UBND Hà Nội, sở dĩ quy hoạch đưa vào nội dung này vì Quy hoạch cảng hàng không sân bay toàn quốc có xác định Hà Nội là thủ đô lớn. Trong đó, thủ đô lớn sẽ có hai sân bay được bố trí theo trục Bắc - Nam.
Vì vậy, thành phố đang nghiên cứu đặt sân bay thứ hai ở khu vực phía nam thành phố. Ông Tuấn cho rằng đây cũng là vị trí thuận lợi để kết nối với các tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng và quốc gia khác.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày báo cáo tại Hội nghị ngày 27/4. Ảnh: Thanh Hải. |
Về các trục không gian, lãnh đạo Hà Nội cho biết quy hoạch đã cơ bản kế thừa định hướng nghiên cứu đề xuất gồm 5 trục không gian chính đã được xác định trong Quy hoạch chung được duyệt.
Trong đó, trục không gian phía nam (gồm trục Mỹ Đình - Hương Sơn - Ba Sao - Bái Đính - đường trục kinh tế phía nam; Quốc lộ 1A, 1B) có vai trò quan trọng trong kết nối các tỉnh phía nam và đô thị vệ tinh Phú Xuyên.
Trường hợp nghiên cứu xác định sân bay thứ hai tại khu vực này, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu nâng cấp bổ sung năng lực giao thông, đường sắt đô thị và các hạ tầng thiết yếu.
Với trục không gian Hồ Tây - Ba Vì (gồm cả trục Đại lộ Thăng Long), thành phố xác định vai trò là kết nối các vùng văn hóa và lịch sử Thăng Long - Xứ Đoài. Tuy nhiên, hướng tuyến đường đang được nghiên cứu rà soát do có cắt qua một số khu vực dân cư.
Về dự báo và kiểm soát quy mô dân số, theo Phó chủ tịch UBND Hà Nội, niên giám thống kê năm 2021 cho thấy dân số của thành phố là 8,3 triệu người. Số liệu này đã bao gồm cả sinh viên khai báo thường trú và tạm trú.
Dự báo đến năm 2030, dân số của Hà Nội khoảng 11,4-11,95 triệu người và có thể đạt đến 13,76 triệu người vào năm 2040.
Trong khi đó, nhiệm vụ quy hoạch đặt ra yêu cầu kiểm soát dân số và đề ra ngưỡng phát triển dân số, tránh quá tải vượt mức cho phép của quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Vì vậy, Hà nội sẽ xây dựng chương trình để kiểm soát phát triển đô thị, kiểm soát tỷ lệ đô thị hóa; phát triển các thành phố, đô thị vệ tinh, mô hình TOD (giao thông công cộng), các thị trấn, thị tứ, các điểm dân cư nông thôn; di dời nhà máy, cơ sở ô nhiễm, trường học, cơ quan… ra ngoài nội đô theo quy hoạch.
Hà Nội cũng lên phương án xây dựng, hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối khu vực ngoại thành để thu hút dân cư, giãn dân ra khỏi nội đô; kiến nghị bổ sung các chính sách quản lý kiểm soát nhà ở, kiểm soát đầu tư, sở hữu nhà ở, đất ở...
Nghiên cứu chính sách đặc thù của TP.HCM
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết Ban Chấp hành Đảng bộ TP cơ bản thống nhất với định hướng nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, thành phố kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc thủ đô là thành phố bắc sông Hồng, phía tây Hà Nội và 5 trục phát triển.
Ông Dũng cho biết đây sẽ là tiền đề tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực của thành phố.
"Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… kể cả đường bộ và đường sắt”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết thành phố kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc thủ đô và 5 trục phát triển. Ảnh: Thanh Hải. |
Bên cạnh đó, Bí thư Hà Nội yêu cầu bám sát quá trình xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, để nghiên cứu, chọn lọc những chính sách đặc thù, có sự tương đồng giữa hai thành phố lớn, đô thị đặc biệt của cả nước.
"Đồng thời, cần rà soát các chính sách về đầu tư, tài chính - ngân sách, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường, văn hóa, khoa học và công nghệ, tổ chức bộ máy, biên chế để bổ sung, hoàn thiện…", theo Bí thư Hà Nội.
Theo Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, thành phố bao gồm một đô thị trung tâm lấy sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm quan trọng, không gian văn hóa, không gian xanh.
Phía nam là đô thị lịch sử bảo tồn - tôn tạo - cải tạo - tái thiết, liên kết mở rộng phát triển đô thị mới tới vành đai 4 và sông Đáy.
Phía bắc là đô thị Long Biên - Gia Lâm và có điều chỉnh dự kiến phát triển thành phố phía bắc (kết hợp cơ bản giữa huyện Đông Anh, Mê Linh và đô thị vệ tinh Sóc Sơn).
Các đô thị vệ tinh còn lại gồm thành phố phía tây (điều chỉnh khu vực đô thị vệ tinh Hòa Lạc kết hợp với vệ tinh Xuân Mai), đô thị vệ tinh Sơn Tây, đô thị vệ tinh Phú Xuyên; các thị trấn sinh thái, liên kết với đô thị trung tâm qua các trục giao thông hướng tâm, phân cách bằng hành lang, nêm xanh.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.