Sáng 13/4, Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô làm việc với các địa phương về mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho biết nhu cầu vật liệu toàn dự án trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố là rất lớn. Cụ thể, dự án cần hơn 12 triệu m3 đất đắp; gần 10,5 triệu m3 cát đắp, cát xử lý nền yếu; hơn 3,4 triệu m3 cát xây dựng và 7,5 triệu m3 đá.
Theo ông Cường, đến nay, việc khảo sát được thực hiện tại Hà Nội và 9 tỉnh lân cận với tổng số 102 mỏ. Tổng trữ lượng và khả năng khai thác đều vượt quá nhiều lần nhu cầu của dự án.
Tuy nhiên, các đơn vị cũng gặp những khó khăn, vướng mắc ở từng loại vật liệu như mỏ có giấy phép thì trữ lượng thấp hoặc ở xa; mỏ ở gần có thể khai thác thì giấy phép hết hạn hoặc chưa có giấy phép, chưa đấu giá...
Ông Cường dẫn ví dụ trữ lượng các mỏ đá đã khảo sát lên tới 280 triệu m3, trong khi nhu cầu cho dự án chỉ là hơn 7,5 triệu m3. Tuy nhiên, khó khăn chính là cự ly vận chuyển đá đến vị trí thi công xa từ 50-80 km.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 13/4. Ảnh: Trần Long. |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết địa phương dự kiến khởi công dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô tại 4 địa điểm trong tháng 6 năm nay.
Ông hy vọng Bắc Ninh và Hưng Yên cũng phấn đấu thời hạn tương tự để toàn tuyến được khởi công cùng lúc.
"Đến thời điểm này, có thể tự tin khẳng định Hà Nội sẽ có từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công dự án đúng kế hoạch vào ngày 30/6", Bí thư Hà Nội nói.
Về vấn đề mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định sẽ báo cáo, đề xuất và kiến nghị với Thủ tướng cho phép mở rộng địa bàn các tỉnh, thành phố có mỏ vật liệu đáp ứng yêu cầu, ngoài Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.
Đồng thời, kiến nghị cho phép nhà thầu bổ sung thực hiện xây lắp trong dự án thành phần 3 (đối tác công tư - PPP) cũng được hưởng các chính sách đặc thù liên quan đến vật liệu xây dựng như các nghị quyết của Chính phủ.
Dự án vành đai 4 - vùng thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Đồ họa: Duy Anh. |
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thống nhất giao cho tư vấn làm việc với các địa phương để lên phương án về mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án; trong đó cụ thể về từng mỏ, từng vị trí, công suất, sản lượng theo tiến độ.
Nguyên tắc là đảm bảo ưu tiên các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất và quan trọng là giá rẻ nhất.
Về đề nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho phép thay đất bằng cát trong thực hiện phương án đắp bao, Bí thư Hà Nội yêu cầu đơn vị tư vấn xem xét, thẩm định và đề xuất UBND thành phố quyết định theo thẩm quyền.
Cho rằng tiến độ phê duyệt các dự án thành phần đang chậm so với yêu cầu của Chính phủ, Bí thư Hà Nội đề nghị các bộ, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án thành phần, nhất là báo cáo đánh giá tác động môi trường mà địa phương đã trình hồ sơ.
Dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 - vùng thủ đô được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56 với chiều dài 112,8 km; đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Dự án thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Hà Nội đã đặt mục tiêu khởi công dự án vào tháng 6/2023.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.