UBND Hà Nội vừa có tờ trình gửi Thường trực HĐND thành phố về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các ban quản lý dự án thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội Mới để thực hiện tinh giản biên chế.
Nghị quyết dự kiến được trình lên HĐND Hà Nội xem xét, thông qua vào kỳ họp giữa năm (tháng 7).
Nêu cơ sở đề xuất tờ trình này, UBND Hà Nội cho biết về tài chính, các ban quản lý dự án cơ bản chi trả lương cơ bản cho viên chức, người lao động. Một số ban còn nợ ngân sách để trả lương và nợ cũ trước hợp nhất, sáp nhập.
Cụ thể, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn nợ 6,233 tỷ đồng. Đến năm 2020, ban này mới trả ngân sách thành phố 233 triệu đồng.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông nợ khoảng 63 tỷ đồng và hiện chưa có nguồn để hoàn trả.
Nút giao đường vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông xe đầu năm 2021 là một trong các công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư. Ảnh: Việt Linh. |
Theo lý giải của UBND thành phố, các ban quản lý dự án chuyên ngành là đơn vị sự nghiệp hoạt động trên nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên và được trích theo tỷ lệ trên kế hoạch vốn được giao.
Nhưng trên thực tế, ban chưa được tự chủ toàn bộ trong việc sử dụng các nguồn thu do tồn tại của một số quy định pháp luật, cần được sửa đổi. Do vậy, các ban báo cáo hiện không có nguồn chi trả cho tinh giản biên chế.
Về nhân sự, từ năm 2016 đến nay, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc thành phố đã trải qua hai đợt sắp xếp tổ chức bộ máy.
Cụ thể, năm 2016, thành phố thành lập 5 ban quản lý dự án chuyên ngành trên cơ sở hợp nhất 26 ban thuộc các sở, ngành.
Năm 2022, 5 ban được tổ chức lại thành 3 ban, trong đó Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là đơn vị đặc thù không sắp xếp lại.
Tại cả hai đợt sắp xếp trên, các đơn vị được hợp nhất theo nguyên tắc sáp nhập nguyên trạng để ổn định tổ chức, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, dự án được giao.
Việc này dẫn đến trình độ và kinh nghiệm của cán bộ công chức, viên chức và người lao động không đồng đều; còn trường hợp làm việc trái ngành nghề đào tạo. Một số ban có số lượng người lao động quá đông.
Ngoài ra, UBND Hà Nội cho biết việc tuyển dụng viên chức bị gián đoạn. Quá trình hoạt động đến nay, viên chức đã dần được bố trí phù hợp với vị trí việc làm và năng lực kinh nghiệm, một số đã được đào tạo bổ sung nhưng chưa triệt để.
Đối với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, đây là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên từ năm 2003. Giai đoạn trước đây, khối lượng công việc nhiều, nguồn thu lớn nên nhu cầu nhân sự của đài có thời điểm lên tới 700 người.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cùng tiện ích của các thiết bị thông minh đã làm thay đổi thói quen xem và nghe phát thanh, truyền hình trên các phương tiện truyền thống. Điều này dẫn đến nguồn thu từ quảng cáo trên phát thanh và truyền hình giảm mạnh.
Trong khi đó, nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách theo chế độ đặt hàng chỉ đáp ứng 50% nhu cầu chi phí hoạt động của Đài. Vì vậy, đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên nhưng nguồn thu hạn chế nên không thể bố trí kinh phí chi trả cho các trường hợp tinh giản biên chế.
Từ những nội dung trên, UBND Hà Nội đề xuất các đơn vị thụ hưởng chính sách xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm đúng quy định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Đồng thời, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ theo đề án vị trí việc làm mới.
Cùng với đó, các đơn vị xây dựng đề án tinh giản biên chế để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai đề án theo đúng quy định.
UBND Hà Nội dự kiến trình HĐND thành phố đồng ý về chủ trương xây dựng Nghị quyết ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các ban quản lý dự án thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội Mới để tinh giản biên chế.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.