Thông tin trên được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 14/4.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đại sứ Nhật Bản Fukada Hiroshi. Ảnh: Chinhphu.vn |
Ngày 9/4, tại trụ sở chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Nhật Bản Fukada Hiroshi đến chúc mừng các thành viên chính phủ mới được Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm và trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.
G7 là tập hợp 7 nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới, gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức và Italy. G7 họp vài lần mỗi năm để bàn luận và trao đổi về chính sách kinh tế. Hội nghị cấp cao G7 năm 2016 là lần tổ chức thứ 42, diễn ra vào cuối tháng 5 tại thành phố Shima, do Thủ tướng Abe chủ trì.
Trong cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Nhật Bản tổ chức hội nghị G7 và hội nghị G7 mở rộng vào tháng 5 và cảm ơn lời mời tham dự hội nghị của Thủ tướng Shinzo Abe, đồng thời cho biết sẽ cùng các thành viên chính phủ tham dự hội nghị.
Cũng trong buổi họp báo ngày 14/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc G7 ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại trước các hành động khiêu khích ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho hay, Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của G7 theo mục tiêu chung đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Việt Nam đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực trong việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển.
Trong cuộc họp ngày 11/4 tại Nhật Bản, bộ trưởng ngoại giao của nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) chia sẻ mối quan ngại về các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngoại trưởng các nước thành viên G7 cũng mạnh mẽ phản đối hành động khiêu khích tại Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang thể hiện sự hung hăng.
"Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ sự ép buộc mang tính hăm dọa hay các hành động khiêu khích đơn phương nào có nguy cơ thay đổi hiện trạng và làm leo thang căng thẳng”, tuyên bố sau cuộc họp nêu rõ.
Trong một đoạn đề cập tới căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines, nhóm G7 kêu gọi các nước tuân thủ luật hàng hải quốc tế và chấp hành mọi phán quyết của tòa án.