Trong hai tháng qua, các nỗ lực chuyển trục của Nhật về khu vực đang được đẩy rất nhanh.
Hôm 12/4, hai chiến hạm Nhật đã lần đầu tiên tới Cam Ranh, một trong những quân cảng chiến lược quan trọng bậc nhất của Hải quân Việt Nam.
Trước đó, hai tàu này cùng với tàu ngầm của Nhật cũng đã tới thăm căn cứ quân sự Subic của Philippines để tập trận. Đó là chuyến thăm đầu tiên của tàu ngầm Nhật trong suốt hơn một thập kỷ.
Ông Hiroshi Fukada, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, đọc thông điệp của bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trên khu trục hạm Ariake tại cảng Cam Ranh của Việt Nam hôm 12/4. Ảnh: Kyodo |
Trước hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng tới và việc Toà Trọng tài Thường trực (PCA) sắp ra phán quyết trong vụ Philippines kiện đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, Tokyo đang chủ động xây dựng nền tảng chính sách mới chủ động hơn để đối phó với Trung Quốc.
Tính toán tốt
Theo Japan Times, các động thái của Tokyo là bước đi sau rất nhiều tháng chuẩn bị, trong đó có nhiều động thái là phối hợp với đồng minh cũng như các nước có liên quan ở Biển Đông để gây sức ép với một Bắc Kinh “không muốn hợp tác”.
Chương trình xây lấn đảo của Bắc Kinh, được đô đốc Harry Harris của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ gọi là “Vạn lý trường thành bằng cát”, đã khiến các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam, Phippines, cũng như các nước có lợi ích quan trọng ở vùng biển này như Mỹ, Australia, Indonesia và Nhật Bản, giận dữ.
Giới phân tích đều nói các hành động gây hấn và việc xây đảo của Trung Quốc đẩy các nước Đông Nam Á lại gần hơn với Mỹ và Nhật Bản.
“Về tổng thể, việc Trung Quốc tiếp tục gây hấn ở Biển Đông khiến rất nhiều nước quan ngại và thúc đẩy đường lối ngoại giao (thân Mỹ) này”, James Schoff thuộc chương trình châu Á của Quỹ Carnegie về Hoà bình thế giới nói.
“Cách tiếp cận của Nhật Bản có vẻ được tính toán tốt hơn. Nhưng chính những hành động của Trung Quốc đã giúp cách tiếp cận của Nhật thành công”.
Thầm lặng hành động
Trong khi Washington tiến hành các chuyến tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông thì Tokyo thầm lặng giúp các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng phòng thủ trên biển của mình – với mục đích rõ ràng là đối trọng với Trung Quốc.
“Nhật Bản đang dần tăng cường hỗ trợ cho an ninh khu vực”, Patrick Cronin, giám đốc cấp của chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS), nói.
“Trong khi xây dựng quan hệ đối tác với các nước có tuyên bố chủ quyền như Philippines và Việt Nam, Nhật Bản đồng thời thúc đẩy quan hệ chiến lược với Australia, Ấn Độ và các nước khác”.
Việc đóng góp không chỉ dừng ở việc cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam và Philippines, mà còn gồm cả những nỗ lực thầm lặng khác như nâng cấp quan hệ quốc phòng, thực hiện các hoạt động trao đổi và hỗ trợ cho các nước Đông Nam Á để củng cố năng lực trên biển.
“Mục tiêu chính là để ổn định khu vực đang lo lắng về Trung Quốc”, ông Cronin nói.
Mục tiêu xuất khẩu vũ khí
Phát biểu tại một buổi họp báo hôm 12/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani nói chuyến thăm tới Cam Ranh sẽ tăng cường quan hệ hợp tác an ninh giữa hai bên cũng như đảm bảo quyền tự do hàng hải và đảm bảo cho các tuyến giao thương trên Biển Đông.
“Chính từ quan điểm này mà chúng tôi vừa tiến hành thăm cảng và vừa giúp đỡ các nước ở Biển Đông như Việt Nam và Philippines tăng cường năng lực của mình”, ông Nakatani nói.
Ông cho biết Nhật sẽ tiếp tục tập trận chung với Mỹ, Australia và các nước trong khu vực trong thời gian tới.
Chuyến thăm tới Cam Ranh của Việt Nam diễn ra cùng lúc với việc tàu khu trục Ise của Nhật tham gia tập trận Komodo ở Indonesia (Việt Nam có tham gia). Trước đó, ông Nakatani gặp tư lệnh quân đội Australia để thúc đẩy việc huấn luyện quân đội chung giữa hai bên.
Một loạt hoạt động này cũng diễn ra cùng lúc Nhật đang muốn thúc đẩy ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí của họ.
“Nhật Bản rất quan tâm tới xuất khẩu vũ khí tới các nước có cùng quan điểm với họ để hỗ trợ ngành công nghiệp vũ khí đang gặp khó khăn của Nhật”, Malcolm Cook, một chuyên gia của viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore, nói.
Ông Cook cho hay các chuyến thăm quân sự của Nhật giờ có các quân trang cấp cao mà Nhật muốn bán như máy bay săn tàu ngầm P3-C hay tàu ngầm Soryu.
Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất, các động thái của Nhật diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng tới.
Khi các ngoại trưởng G7 kết thúc cuộc họp hôm 11/4, các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ các hành động “đe doạ, ép buộc hay gây hấn đơn phương mà có thể làm thay đổi nguyên trạng và làm tăng thêm căng thẳng”, một thông điệp nhắm rõ vào Trung Quốc.
Tuyên bố cũng nói việc giải quyết các tranh chấp trên biển nên thông qua “cơ chế giải quyết mâu thuẫn bằng luật pháp, như bằng toà trọng tài”.
“Một loạt động thái của Tokyo chắc chắn nhắm cho các lịch trình ngoại giao”, ông Cronin nói.
“Từ tổ chức hội nghị G7 bàn về an ninh biển, cho tới dự tính về chuyện toà quốc tế sắp ra phán quyết, Nhật Bản theo đuổi các mục tiêu chính trị một cách kiên định và có hành động”, Cronin cho hay.
Việc Tokyo có tiến hành tuần tra hay tuần tra chung trên Biển Đông vẫn còn được để ngỏ.
“Nhật Bản đã có căn cứ pháp lý và chính sách để tham gia vào tuần tra đa phương ở Biển Đông”, ông Cronin nói. Theo ông, việc này sẽ chỉ xảy ra nếu có sự gây hấn lớn từ phía Bắc Kinh.