Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mỹ - ASEAN thúc đẩy tầm nhìn chung về tự do hàng hải'

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng Hội nghị Mỹ - ASEAN tại Sunnylands là dịp để ông và các lãnh đạo Đông Nam Á hướng tới tầm nhìn chung trong các vấn đề quốc tế.

Tại buổi họp đầu tiên, Tổng thống Obama đã đề cập đến tình hình Biển Đông. Ông cho rằng Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á có thể thúc đẩy “tầm nhìn chung” về các luật lệ và nguyên tắc để giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hoà bình.

Tổng thống Obama khẳng định, cuộc họp tạo dấu ấn với việc những lãnh đạo ASEAN lần đầu tiên cùng tới Mỹ đã chứng tỏ cam kết của cá nhân ông đối với mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, bền vững với các nước trong khu vực.

Obama nói ông đã biết đến Đông Nam Á từ khi còn là một cậu bé và sống ở Indonesia cùng mẹ. Sau đó, trên cương vị tổng thống Mỹ, ông đã nỗ lực để nâng cao vị thế của Mỹ trong khu vực này. Ông Obama cảm ơn nhân dân của các quốc gia ASEAN đã luôn đón tiếp ông nồng hậu trong mỗi chuyến thăm. Đó là lý do ông quyết định tổ chức hai cuộc họp ở Sunnylands nắng ấm, chứ không phải tại Washington đang có tuyết rơi.

Theo Obama, ông từng không ít lần nhấn mạnh rằng Mỹ phải đối đầu với nhiều mối đe dọa cấp bách trên thế giới, chính sách ngoại giao buộc phải nắm bắt cơ hội mới. “Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tạo cơ hội nhiều hơn bất cứ khu vực nào khác. Đó là lý do ở giai đoạn đầu của nhiệm kỳ tổng thống, tôi quyết định rằng Mỹ với tư cách là quốc gia Thái Bình Dương, cần tái cân bằng chính sách ngoại giao đồng thời đóng vai trò lớn và lâu dài hơn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Tổng thống Obama phát biểu khai mạc tại hội nghị Mỹ - ASEAN. Ảnh: AFP

Obama tự hào là tổng thống Mỹ đầu tiên gặp gỡ lãnh đạo của 10 quốc gia ASEAN. “Tới nay tôi đã thực hiện 7 chuyến thăm tới các nước ở khu vực ASEAN – hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào”. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhắc lại quyết định nâng quan hệ giữa ASEAN và Mỹ lên đối tác chiến lược trong cuộc gặp gần đây nhất ở Kuala Lumpur (Malaysia). “Và mối liên kết bền vững của chúng ta đang cho thấy những thành quả cụ thể, có lợi ích cho tất cả. Chúng ta có thể tạo đà trong hội nghị lần này”, ông Obama nói.

Về kinh tế, ông chủ Nhà Trắng cho hay, Mỹ - ASEAN có thể tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác về thương mại và kinh tế, để tạo việc làm và cơ hội cho mọi người. “Kể từ khi tôi nhậm chức, chúng ta đã thúc đẩy thương mại giữa Mỹ và ASEAN đến 55%. Khu vực này hiện là đối tác trao đổi hàng hóa lớn thứ 4 của Mỹ, trong đó hoạt động xuất khẩu có thể tạo hơn 500.000 việc làm cho người dân Mỹ. “Các công ty Mỹ là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại ASEAN. Đây là một trong nhiều lý do khiến GDP khu vực tăng trong những năm gần đây, giúp người dân thoát nghèo đói”, tổng thống 44 của Mỹ nói.

“Những năm gần đây, Mỹ đã tăng cường hỗ trợ an ninh hàng hải với các đồng minh và đối tác trong khu vực, cải thiện năng lực chung để bảo vệ thương mại hợp pháp. Tại cuộc họp này, chúng ta có thể thúc đẩy tầm nhìn chung về một trật tự khu vực, nơi mà các luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải, được tuân thủ; nơi mà tranh chấp phải được giải quyết hoà bình và thông qua công cụ pháp lý”, tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Nhận định về những diễn biến ở ASEAN, Tổng thống Obama hoan nghênh cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar và quá trình chuyển tiếp đã mang lại hy vọng về một đất nước hoà bình, thống nhất, dân chủ. Ông cũng nhắc lại cam kết của Việt Nam, Singapore, Malaysia và Brunei khi gia nhập TPP đối với tiêu chuẩn lao động và môi trường.

Obama cũng kêu gọi sự hợp tác để đối phó với những mối đe doạ xuyên quốc gia như khủng bố. “Vụ tấn công ở Jakarta là lời nhắc nhở. Chủ nghĩa khủng bố yêu cầu chúng ta phải cảnh giác, chia sẻ thông tin nhiều hơn, và cùng hợp tác để bảo vệ nhân dân chúng ta”, ông nói.

Trong khi đó, bà Susan Rice, trưởng nhóm cố vấn an ninh quốc gia và từng là đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh rằng Hội nghị Mỹ - ASEAN là sự kiện lịch sử, bởi đây là lần đầu tiên nước Mỹ đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN. Hội nghị là thành quả sau những nỗ lực vun đắp quan hệ ngoại giao ở Đông Nam Á trong suốt 7 năm qua của chính phủ Mỹ nói chung và Tổng thống Obama nói riêng.

"Hội nghị cho thấy mối quan hệ Mỹ - ASEAN đang đạt tới trạng thái cao nhất. Là khu vực chiếm gần một nửa dân số thế giới, 1/3 GDP toàn cầu, một số quân đội mạnh nhất và một số hệ sinh thái quan trọng nhất địa cầu, châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm về chính trị và kinh tế của thế giới. Vì thế, ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Obama ưu tiên chủ trương hướng về châu Á, công nhận rằng khu vực này sẽ là trọng tâm đối với các lợi ích của Mỹ trong thế kỷ 21", bà phát biểu.

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho rằng ASEAN là trung tâm của châu Á, là đối tác tự nhiên của Mỹ trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương.

Quan hệ giữa Mỹ và ASEAN phát triển mạnh trong 7 năm qua, theo bà Rice. Năm 2009, hai bên ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Mỹ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á rồi trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN thành lập phái bộ ngoại giao, chỉ định đại sứ tại Ban thư ký ASEAN ở thành phố Jakarta.

Hợp tác kinh tế Mỹ - ASEAN cũng đang bùng nổ. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 250 tỷ USD, tăng 55% so với năm 2009. ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư đối với Mỹ. 500.000 việc làm tại Mỹ đang phụ thuộc vào quan hệ mậu dịch với ASEAN. "Chỉ riêng trong năm ngoái, các công ty tại bang California đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 11 tỷ USD tới ASEAN. Trên thực tế, các công ty tại 50 bang của Mỹ tham gia hoạt động thương mại với khu vực Đông Nam Á. Giới doanh nghiệp Mỹ cũng là lực lượng đầu tư lớn thứ hai tại ASEAN. Tổng số vốn mà họ đầu tư ở đây lên tới hơn 226 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2009", bà Rice trích dẫn vài con số.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là một thành viên tích cực, trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực đóng góp vì Cộng đồng ASEAN và sự phát triển thịnh vượng ở khu vực.

Sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội.

Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, đồng thời tích cực triển khai chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và tham gia liên kết kinh tế trên nhiều tầng nấc, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN, APEC, TPP và RCEP là những khuôn khổ then chốt.

Nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Mỹ - ASEAN đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị thời gian tới hai bên cần triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác đã thỏa thuận, nhất là Kế hoạch hành động ASEAN - Mỹ giai đoạn 2016 - 2020, gia tăng các hoạt động hợp tác, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tri thức, công nghệ giữa các doanh nghiệp ASEAN và Mỹ nhằm hỗ trợ ASEAN xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo, năng động, nâng cao năng lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phát triển bền vững. Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đề xuất thành lập một Trung tâm ASEAN - Mỹ về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặt tại Việt Nam nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo, sự kết nối của các doanh nghiệp ASEAN.

Cũng tại phiên họp, các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với đại diện một số tập đoàn hàng đầu của Mỹ như IBM, Microsoft và Cisco nhằm đưa ra các đề xuất và tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế số và sự hợp tác, hỗ trợ của các công ty Mỹ đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin của các nước ASEAN.

Lịch trình hội nghị được giới chức Mỹ công bố cho biết, các lãnh đạo sẽ thảo luận trong ngày đầu tiên về những vấn đề kinh tế và thương mại, bao gồm Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà 4 quốc gia ASEAN đã tham gia. Vào ngày 16/2, họ sẽ thảo luận sâu hơn về các vấn đề hàng hải, bao gồm tình hình Biển Đông. Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Obama sẽ đưa ra thông điệp cứng rắn đối với Trung Quốc, rằng mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hoà bình, chứ không thể bằng vũ lực hoặc đe doạ.

Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức trên lãnh thổ Mỹ. Điều này thể hiện sự coi trọng của cả hai bên đối với quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ và sẽ bàn về phương hướng cũng như biện pháp triển khai quan hệ này, đưa hợp tác đi vào thực chất và cụ thể hơn. An ninh hàng hải, hội nhập kinh tế và những vấn đề xuyên quốc gia nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị lần này.

Dự thảo tuyên bố Mỹ - ASEAN ủng hộ sử dụng tòa án trọng tài

Dự thảo cũng nêu bật “tầm quan trọng của các hoạt động thương mại hợp pháp không thể bị ngăn cản, bao gồm quyền tự do hàng hải, hàng không theo UNCLOS”.

Minh Anh - Hải Anh

Bạn có thể quan tâm