Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sunnylands: Dấu ấn nào cho Tái cân bằng?

Thách thức của thượng đỉnh Sunnylands với Mỹ là khẳng định dấu ấn của Tái cân bằng, chiến lược ngoại giao chính của Obama cho châu Á-Thái Bình Dương trong hai nhiệm kỳ tổng thống.

“Tái cân bằng” và “chuyển trục” là khái niệm được cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra vào cuối nhiệm kỳ đầu của tổng thống Barack Obama.

Tháng 10/2011, trên Foreign Policy, lần đầu tiên bà Clinton đưa ra tầm nhìn “thế kỷ Thái Bình Dương” và “chuyển hướng chiến lược” của Mỹ sang Đông Á - Thái Bình Dương. Một tháng sau, ở Australia, Tổng thống Barack Obama chính thức tuyên bố Mỹ trở lại khu vực với “nỗ lực thúc đẩy an ninh, thịnh vượng” trên toàn châu Á - Thái Bình Dương.

Sự trở lại của Mỹ được giải thích bởi gần hai thập kỷ Washington quên lãng khu vực để tập trung vào các điểm nóng ở Trung Đông, Balkan trong đó có hai cuộc chiến tốn kém, dai dẳng ở Afghanistan và Iraq.

Cùng trong hai thập kỷ, trong im lặng, đối thủ chiến lược đáng gờm khác của Mỹ ở khu vực là Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ cả về kinh tế - quân sự và không giấu tham vọng bành trướng, quyết mở rộng vùng ảnh hưởng – đặc biệt ở hai vùng biển Hoa Đông (trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật) và ở Biển Đông (lấn chiếm, xây dựng đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đưa giàn khoan vào khai thác trái phép, cấm đánh bắt cá,...). Đây là thách thức trực tiếp đối với trật tự mà Mỹ chi phối trên bình diện toàn cầu.

Lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị Thượng đỉnh ở 

Nay Pyi Taw, Myanmar, tháng 11/2014. Ảnh: Gov.my

11 tháng cuối cùng

Với Tái cân bằng, về kinh tế, Washington thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn tất Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký tháng trước. Về an ninh - chính trị, Mỹ chuyển dần tàu chiến, quân bị với tỷ lệ 60%-40% sang Thái Bình Dương cùng lúc củng cố các liên minh truyền thống, đẩy mạnh xây dựng các đồng minh, đối tác mới - điển hình rõ nhất là tăng cường hợp tác chính trị - kinh tế - quân sự với Việt Nam.

Tái cân bằng lẽ ra đã đi trên con đường suôn sẻ hơn nếu không có các khủng hoảng bất ngờ ở Ukraine - Nga hay sự trỗi dậy của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong mấy năm qua. Kể từ 2013 tới nay, các chuyến thăm của các quan chức ngoại giao Mỹ tới khu vực luôn được chất vấn rằng “cam kết thực sự của Mỹ” với đồng minh và khu vực là tới đâu.

Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands mà ông Obama tiếp đón 10 lãnh đạo ASEAN nhằm phần nào để thể hiện cam kết này. Với 11 tháng còn lại của nhiệm kỳ hai, Tái cân bằng có thể là một trong những di sản đối ngoại đáng kể nhất Obama có thể để lại.

Vị khách đầu tiên được Tổng thống Obama mời tới Sunnylands là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 6/2013. Ảnh: The Nation

Địa điểm Sunnylands cũng mang đầy ý biểu tượng khi đây là nơi tổng thống Mỹ lần đầu tiếp ông Tập Cận Bình với tư cách chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013 – với mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước lớn. Điều này đã không diễn ra khi Washington và Bắc Kinh đang ngày càng nhiều khác biệt trên một loạt vấn đề an ninh - chính trị - kinh tế. Dù luôn đưa ra các thông điệp hợp tác, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nước giờ dường như gay gắt hơn bao giờ hết.

Ở Sunnylands, ông Obama muốn khẳng định hơn nữa cam kết của Mỹ đối với khu vực trước những mối lo về sự trỗi dậy và bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo ồ ạt và các hoạt động quân sự hoá trên đó.

Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng này từng được Kisshore Mahbubani, cựu đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc và hiện là hiệu trưởng trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc NUS, chỉ ra cách đây hai năm tại Đối thoại Shangri-la năm 2014.

“Tương lai của ASEAN về lâu dài phụ thuộc vào các quyết sách ở Bắc Kinh và Washington,” ông Mahbubani nói. Giống như trong chiến tranh Lạnh, Đông Nam Á đang ngày càng trở thành trận địa tranh giành ảnh hưởng của hai siêu cường lâu năm – mới nổi.

Tránh không trở thành con cờ

Tuy trong cùng một khối nhưng trên thực tế cả 10 nước ASEAN không hoàn toàn có sự đồng nhất về lợi ích chiến lược.

Về kinh tế, Singapore là nước theo đuổi kinh tế thị trường tự do trong khi Indonesia quyết liệt theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Campuchia và Lào đang ngày càng ngả ngày càng gần với Bắc Kinh, trong khi Philippines và Việt Nam trong giai đoạn gần đây đang thúc đẩy quan hệ với Mỹ như là cách đảm bảo an toàn trước những động thái ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc trên biển.

Nếu Mỹ có TPP, Trung Quốc cũng đang có một loạt sáng kiến vành đai, con đường tơ lụa cùng với hiệp định hợp tác toàn diện RCEP và ngân hàng AIIB để giành ảnh hưởng. Trên biển, hoạt động xây lấn trên biển diễn ra với tốc độ chóng mặt cùng với các động thái chỉ dấu cho việc quân sự hoá trên đảo.

Về nội bộ, sự thiếu thống nhất giữa Nhà Trắng với Lầu Năm Góc (bên quốc phòng muốn cứng rắn hơn) cũng là cản trở cho việc có một thông điệp nhất quán của Washington cho các nước trong khu vực.

Trước khi hội nghị diễn ra, Channel News Asia trích lời tiến sĩ Dewi Fortuna Anwar thuộc Viện nghiên cứu khoa học Indonesia cảnh báo, ASEAN không nên trở thành bàn cờ trong cuộc chơi này của các nước lớn.

“Tôi không muốn Trung Quốc nhìn ASEAN như là công cụ trong cuộc chơi quyền lực với Mỹ, và đương nhiên tôi cũng không muốn Mỹ nhìn ASEAN như con tốt trong cuộc chơi với Trung Quốc,” ông nói.  

ASEAN không muốn và không nên trở thành con tốt trong cuộc chơi bàn cờ lớn này. Nhưng một chính sách rõ ràng, nhất quán của Mỹ tại khu vực sẽ góp phần ổn định và kiểm soát sự trỗi dậy đang ngày càng mạnh bạo của Bắc Kinh.

Khác với các hội nghị thượng đỉnh ASEAN với cuộc gặp lãnh đạo bị kẹp giữa vô số các cuộc họp khác, thượng đỉnh ASEAN-Mỹ ở Sunnylands sẽ có hai ngày dành nguyên cho các nhà lãnh đạo giao lưu. Các nhà lãnh đạo sẽ có hai phiên họp kín (một về kinh tế, một về an ninh - chính trị) cộng với một bữa tối làm việc.

Theo chuyên gia Murray Hielbert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thì một số điểm nhấn chính của hội nghị sẽ gồm:

An ninh hàng hải: Các nước trong khu vực hiện đều lo lắng với việc Trung Quốc ồ ạt xây đảo nhân tạo và sân bay trên các đảo. Việc xây dựng và khả năng quân sự hoá tại các điểm ở Trường Sa dự kiến sẽ là tâm điểm hội nghị.

Phán quyết của toà PCA: Với việc toà trọng tài thường trực PCA ở The Hague dự kiến sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Manila chống đường 9 đoạn của Bắc Kinh ở biển Đông vào giữa năm nay, tổng thống Mỹ sẽ muốn dùng hội nghị để bàn việc thống nhất chủ trương trong ASEAN sau khi toà ra phán quyết. Sẽ là không thực tế nếu kỳ vọng tất cả các nước ASEAN đều ủng hộ việc này, nhưng sẽ cần khối đưa ra một tuyên bố chung (hoặc ít nhất là một số thông điệp trong tuyên bố chủ tịch tới) ghi nhận phán quyết, ủng hộ quyền của các thành viên ASEAN muốn dùng toà trọng tài để giải quyết tranh chấp.

Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ cần làm rõ hơn về Sáng kiến Đông Nam Á với ngân sách khoảng 250 triệu USD từng được bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter công bố tại đối thoại Shangri-la hồi tháng 5/2015. Sáng kiến này được nhằm xây dựng củng cố năng lực hải quân và cảnh sát biển cho các nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Cơ hội vàng trong quan hệ ASEAN - Mỹ nhân Hội nghị cấp cao

Đối với ASEAN, hội nghị ở Sunnylands là cơ hội chứng minh tầm quan trọng của khối trước thách thức toàn cầu, trong khi đây là thời điểm thích hợp để Mỹ tiếp cận kinh tế Đông Nam Á.

'Obama muốn để lại di sản cho hợp tác Mỹ - ASEAN'

Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia quốc tế nhận định Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN lần đầu diễn ra ở Mỹ là cách mà Tổng thống Obama để lại nền tảng vững chắc cho người kế nhiệm.


Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm