Hồi tháng 11/2011, Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ sẽ xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chủ trương của ông phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này đối với nước Mỹ. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ chủ trương xoay trục, song họ cũng lo ngại về việc chính quyền Obama chưa có chiến lược cụ thể nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
Một mặt phần lớn quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương đều muốn tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh với Mỹ. Nhưng mặt khác, các nước cũng tỏ ra thận trọng trước ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự ngày càng lớn của Bắc Kinh.
Thủy thủ trên chiến hạm USS Lassen của Mỹ diễn tập khi tàu hoạt động ở Biển Đông hồi tháng 10/2015. Ảnh: Reuters |
Trong bối cảnh đó, Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) đề xuất một số giải pháp mà Washington nên thực hiện để tăng cường sự hiện diện một cách bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương và khống chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Thứ nhất, Washington nên cho thế giới thấy trọng tâm của chiến lược xoay trục. Mặc dù Obama và nhiều quan chức từng phát biểu khá nhiều về chiến lược "Tái cân bằng", các đồng minh của Mỹ và thậm chí chính giới Mỹ vẫn chưa thấy điểm nhấn. Một nghiên cứu do CSIS thực hiện vào năm 2014 cho thấy ngôn ngữ mà Nhà Trắng dùng để mô tả chiến lược đã thay đổi khá nhiều.
Giới lãnh đạo Mỹ nên tăng cường năng lực của các đồng minh, đối tác trong khu vực là giải pháp thứ hai. Những thách thức an ninh hiện nay đang vượt quá khả năng của nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương. Thiên tai, tranh chấp lãnh hải, mối đe dọa tên lửa chỉ là 3 trong số những thách thức an ninh đang đe dọa khu vực. Giúp ASEAN tự bảo đảm an ninh hàng hải, xây dựng lực lượng chuyên trách về an ninh hàng hải, khuyến khích Nhật Bản tham gia sâu hơn vào hoạt động đảm bảo an ninh trên biển là những việc Washington nên ưu tiên.
Thứ 3, Mỹ phải duy trì và gia tăng sự hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương. Quân đội Mỹ đóng vai trò là lực lượng ổn định tình hình ở khu vực, bởi họ ngăn chặn nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên, giải quyết các cuộc khủng hoảng từ biển Hoa Đông tới Ấn Độ Dương. Vì thế, duy trì và đa dạng hóa các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực là việc rất cần thiết.
Tăng cường năng lực sáng tạo, đổi mới cho quân đội Mỹ là giải pháp thứ 4. Để đối phó những thách thức quân sự mới, giới lãnh đạo Mỹ phải chú trọng khả năng sáng tạo của lực lượng vũ trang. Chẳng hạn, trong bối cảnh các tên lửa đạn đạo có thể tấn công chiến hạm và những căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài bất cứ lúc nào, Lầu Năm Góc nên khuyến khích những ý tưởng đột phá về tên lửa, theo đuổi những chương trình chế tạo vũ khí phòng không hiện đại, đồng thời tiếp tục phát triển các tên lửa tầm xa tiên tiến.