Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thuốc thử Trung Quốc cho các ứng viên tổng thống Mỹ

Quan hệ với Trung Quốc là một trong những vấn đề khó khăn mà bất kỳ ứng viên tổng thống Mỹ nào cũng phải đối mặt nhằm chứng tỏ năng lực xử lý hàng loạt tình huống phức tạp.

Tỷ phú Donald Trump từng cáo buộc Trung Quốc "gian lận". Ảnh: SCMP>

Quan hệ của Mỹ với Trung Quốc phức tạp đến nỗi các nhà quan sát Mỹ đặt riêng cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới biệt danh "frenemy", tức vừa là bạn, vừa là đối thủ phải dè chừng. Trung Quốc là nước mua trái phiếu do Bộ Tài chính Mỹ phát hành nhiều nhất. Số lượng du học sinh Trung Quốc tại Mỹ cũng đông hơn bất kỳ quốc gia nào. Bắc Kinh cũng là đồng minh tự nhiên của Mỹ trong một số vấn đề (khủng bố Hồi giáo) nhưng lại là phía cần phải cảnh giác ở một số lĩnh vực (như tự do hàng hải trên Biển Đông, hoặc vấn đề tin tặc).

Trước khi từ nhiệm, Tổng thống Barack Obama đã để lại cho ông chủ Nhà Trắng kế tiếp một số thành công nhất định. Trung Quốc từ vị trí nước xả khí nhà kính lớn nhất thế giới cũng đã đồng ý với Mỹ về hạn chế khí thải, cam kết không tiếp tục phá giá nhân dân tệ... Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không (hoặc không thể) trả đũa sau khi Hải quân Mỹ có những hành động như điều tàu thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Khi các máy bay B-52 bay qua đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp, Bộ Quốc phòng nước này chỉ cáo buộc Mỹ có "hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng".

Trung Quốc - thuốc thử cho các ứng viên

Ted Truman, nghiên cứu viên tại Viện Peterson, cho rằng "bất kỳ ứng viên nào cũng phải tỏ rõ thái độ về vấn đề Trung Quốc". Qua chính sách đối với những vấn đề liên quan với Trung Quốc, các ứng viên tổng thống Mỹ sẽ thể hiện khả năng quản lý hàng loạt vấn đề. Liệu họ theo chủ nghĩa cô lập hay can thiệp? Làm sao họ sẽ cân bằng các vấn đề nhân quyền với quan hệ kinh tế? Họ sẽ cố gắng làm hài lòng những nhóm đối tượng nào, bao gồm doanh nhân, lao động, nhóm tôn giáo, các nhà hoạt động môi trường, hay những nhóm hiếu chiến?

Tổng thống Obama để lại một số thành công nhất định trong quan hệ với Trung Quốc cho người kế nhiệm. Ảnh: AP

Tình hình nhân quyền ở Trung Quốc là một trong những vấn đề mà Washington thường xuyên đặt ra nhất. Các ứng viên của Đảng Cộng hòa, như ông Ted Cruz, Marco Rubio, và Carly Fiorina, cũng tỏ ra cứng rắn khi đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, một số ứng viên khác như tỷ phú Donald Trump hoặc Bernie Sanders, đối thủ mạnh nhất của bà Hillary Clinton trong đảng Dân chủ, hiếm khi nhắc đến nhân quyền ở Trung Quốc trong các buổi tranh cử.

Trước việc Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực, các ứng viên như ông Chris Christie, Fiorina và Rubio khẳng định họ sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ những lợi ích của nước Mỹ.

Cựu thống đốc bang Florida, ông Jeb Bush, là một trong số ít ứng viên có đường lối ôn hòa với Trung Quốc. Ông hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc giữ thể diện đối với các lãnh đạo Trung Quốc. Ông từng là người đã giải thích với Bắc Kinh chuyện phu nhân Michelle Obama không đi cùng chồng đến gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và vợ khi họ đến California năm 2013.

Jeb Bush cũng có một số liên hệ cá nhân với Trung Quốc. Bố của ông, cựu tổng thống George H.W. Bush từng là đại sứ Mỹ tại Trung Quốc giai đoạn 1974 - 1975. Công ty riêng của Jeb Bush thành lập năm 2013 cũng đang thu hút vốn đầu tư đáng kể từ một số doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo kinh nghiệm của giới quan sát, dù ứng viên nào chiến thắng vào tháng 11 năm sau, họ cũng sẽ ôn hòa hơn so với khi trong lúc vận động tranh cử. "'Đánh đập' Trung Quốc là một phần trong những chiến dịch vận động chính trị ở Mỹ, chúng tôi đã quen với điều này", ông Tao Wenzhao, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu châu Mỹ, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói.

Bà Hillary Clinton gặp ông Tập Cận Bình hồi năm 2012. Ảnh: AP

Quan điểm của tỷ phú Trump và bà Clinton

Đến hết năm 2015, các ứng viên ở cả hai đảng đều chưa thể hiện nhiều quan điểm đối với Trung Quốc trong những chiến dịch vừa qua. Tỷ phú Donald Trump, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong mọi cuộc thăm dò, chỉ nói đơn giản rằng Trung Quốc hay "gian lận". Trên thực tế, đây không phải quan điểm mới, ứng viên Mitt Romney cũng từng lên án Trung Quốc tương tự hồi năm 2012.

Thái độ tiêu cực của ông Trump với vấn đề Trung Quốc nhiều phần liên quan đến chuyện quá khứ riêng của ông. Cách đây một thập kỷ, ông Trump cùng hợp tác với một số đối tác ở Hong Kong trong một dự án phát triển nhà ở tại New York. Tuy nhiên, vào năm 2005, các đối tác đã bán dự án mà không thông qua ý của ông trùm bất động sản. Do vậy, ông đã khởi kiện và vụ việc được phân xử ở tòa.

Trong khi đó, bà Hillary Clinton tỏ ra quyết liệt hơn trong vấn đề Trung Quốc. Giữ cương vị ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009 - 2013 dưới thời Tổng thống Obama, bà Clinton là một trong những người thúc đẩy chính sách "xoay trục" về châu Á nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc ở khu vực. Tại một sự kiện ở New Hampshire hồi tháng 7, bà Clinton đã chỉ trích Trung Quốc về vấn nạn tin tặc, sau khi có thông tin nước này đứng sau vụ xâm nhập quy mô lớn để đánh cắp dữ liệu nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bà Clinton cũng cứng rắn với Trung Quốc trong những vấn đề thương mại, dựa trên kinh nghiệm của một cựu thượng nghị sĩ. Hồi năm 2004, Bộ Thương mại Trung Quốc đã khởi kiện chính thức đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với công ty Corning có trụ sở tại New York. Nội dung đơn kiện là Corning đã bán phá giá sợi quang học ở thị trường Trung Quốc.

Khi đó, bà Clinton đã mời một số quan chức Trung Quốc đến văn phòng của bà tại Thượng viện để bàn bạc. Bà cũng đích thân nêu lên vụ việc với Nhà Trắng. Một năm sau, Trung Quốc hủy vụ kiện. "Bà Clinton dường như cứng rắn hơn người chồng khi giải quyết các vấn đề về Trung Quốc", Jeffrey Bader, cựu cố vấn về Trung Quốc của chính quyền Obama, nhận định.

Bader đúc kết về cách thể hiện quan điểm với Trung Quốc rằng: "Hãy cứng rắn. Nhưng Trung Quốc cũng sẽ không chịu lắng nghe chúng ta đâu. Họ là một đất nước đang mạnh lên".

Trung Quốc yêu cầu Mỹ tôn trọng lợi ích riêng

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Mỹ cần tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh bằng cách ngừng bán vũ khí cho Đài Loan hay "chấm dứt tuần tra quân sự ở Biển Đông".

'Là tổng thống, tôi sẽ bay qua đảo Trung Quốc bồi lấp'

Ứng viên đảng Cộng hòa khẳng định nếu trở thành tổng thống Mỹ, ông sẽ ngồi trên Không lực 1 bay qua khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông.

Minh Anh (Theo Bloomberg)

Bạn có thể quan tâm