Một phi cơ ném bom H-6K của quân đội Trung Quốc. Ảnh: sinodefence.com |
Vào cuối tháng trước, các phi cơ ném bom H-6K của Trung Quốc thực hiện một trong những hành trình dài nhất trong lịch sử hiện đại. Chúng bay qua Eo biển Miyako ở phía đông bắc Đài Loan rồi tiến vào khu vực trung tâm của Thái Bình Dương, tới một vị trí cách chuỗi đảo Ryukyu của Nhật Bản khoảng 1.000 km. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng chỉ cách đảo Guam (lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ) gần 1.600 km, trang War on the Rock, nhận định.
Những chuyến bay như thế phản ánh nỗ lực liên tục của cả Không quân lẫn Hải quân Trung Quốc trong quá trình mở rộng phạm vi hoạt động. Trong hai thập kỷ qua, các phi cơ chiến đấu và ném bom của Bắc Kinh đã lột xác dần. Từ một lực lượng chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, giờ đây họ có thể phô trương sức mạnh trên không phận quốc tế. Sự chuyển hướng đó phù hợp với sứ mệnh mà giới lãnh đạo Trung Quốc giao cho Không quân vào năm 2004, khi Bắc Kinh truyền bá khái niệm chiến lược về “thống nhất các hoạt động trên không và trong vũ trụ, chuẩn bị cho cả hoạt động tấn công và phòng thủ”.
Trong lúc đó, không lực của Hải quân Trung Quốc đã và đang mở rộng những hoạt động của họ, thực hiện quá trình hiện đại hóa và mở rộng khả năng tác chiến của Hải quân. Các chiến hạm Trung Quốc cũng bắt đầu đảm nhận các nhiệm vụ mang tính kết hợp khi chúng vượt ra ngoài phạm vi truyền thống. Phi cơ, tàu nổi và tàu ngầm Trung Quốc đã phối hợp với nhiều lực lượng chiến đấu hiện đại. Rất có thể những nỗ lực đó sẽ tăng với sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh.
Việc các phi cơ ném bom Trung Quốc bay qua phía tây rồi tiến vào khu vực trung tâm Thái Bình Dương không chỉ phản ánh năng lực đang tăng của họ, mà còn giúp Bắc Kinh gửi thông điệp chính trị tới các nước láng giềng. Mức tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên tới hai con số trong vòng hai thập kỷ qua đã giúp họ cải thiện ngoạn mục năng lực quân sự. Giờ đây Trung Quốc có khả năng triển khai hàng loạt phi cơ tầm xa, bao gồm H-6, dòng JH-7/FBC-1, biến thể Su-27 (như Su-30 và J-11). Ngoài ra chúng còn mang theo nhiều loại vũ khí không đối đất – bao gồm tên lửa hành trình và bom dẫn đường.
Một chủ trương, hai tác dụng
Mặc dù Bắc Kinh chỉ quan tâm tới việc phát thông điệp với những nước láng giềng thông qua các chuyến bay tầm xa, động thái của họ là lời cảnh báo dành cho Washington. Trọng tâm trong chủ trương hiện đại hóa quân đội Trung Quốc là chặn khả năng tiếp cận khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.
Do Trung Quốc phát triển khả năng tác chiến tầm xa, cùng với sự hỗ trợ của vô số tàu đánh cá, tàu thương mại và những máy bay tuần tra tầm xa, radar, vệ tinh quân sự, khả năng ngăn chặn Mỹ triển khai lực lượng ở phía tây Thái Bình Dương của họ sẽ tăng.
Trên thực tế, việc Trung Quốc có khả năng điều động máy bay chiến đấu tầm xa vào vùng trung tâm Thái Bình Dương đồng nghĩa với viễn cảnh lực lượng không quân và hải quân của Mỹ có thể hao mòn sinh lực khi họ tiến về phía tây Thái Bình Dương trong trường hợp xung đột xảy ra.
Vì Trung Quốc đã phát triển những phi cơ chiến đấu tầm xa, nếu họ có thể phối hợp chúng với tên lửa đạn đạo và tàu ngầm, lực lượng hợp nhất của Trung Quốc sẽ tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng và nhiều trục đối với các hàng không mẫu hạm Mỹ. Một thực tế đáng lo ngại khác là tốc độ cải tiến trong lĩnh vực sản xuất vi mạch điện tử đồng nghĩa với việc các cảm biến và thiết bị viễn thông cần thiết cho hoạt động phối hợp những cuộc không kích tầm xa giảm mạnh về kích thước. Và nhiều linh kiện cần thiết lại được sản xuất ở Trung Quốc.
Nguy cơ chiến tranh tiêu hao sinh lực
Nếu xung đột với Trung Quốc, lực lượng Mỹ không chỉ phải đối mặt với những cuộc tấn công quy mô lớn của phi cơ, tàu ngầm, tên lửa đạn đạo khi họ tiến vào vùng phía tây Thái Bình Dương, mà thậm chí còn phải chống chọi với những cuộc tấn công lặp lại khi họ xuất kích từ Guam hoặc quần đảo Hawaii. Những cuộc tấn công như thế, tùy thuộc vào quy mô và chiến thuật, có thể không gây nên tổn thất lớn, nhưng chúng sẽ tiêu hao dần lực lượng chiến đấu cơ trên các hàng không mẫu hạm.
Phi cơ không người lái của Mỹ trên đảo Guam. Ảnh: defence-update.com |
Ngoài việc không lực Hải quân Mỹ đối mặt với cuộc chiến tiêu hao sinh lực, trong bối cảnh Trung Quốc tăng khả năng tác chiến tầm xa, mối đe dọa với đảo Guam, nền tảng chính trong sức mạnh của Mỹ ở vùng trung tâm Thái Bình Dương, cũng tăng. Mỹ đã xây một căn cứ không quân trên đảo Guam – nơi nhiều loại phi cơ chiến đấu như B-52, B-2, máy bay không người lái (UAV) đồn trú. Vị trí tiền tiêu của Guam khiến nó phải tiếp nhận cả phi cơ tiếp nhiên liệu, máy bay cảnh báo sớm, phi cơ vận tải và máy bay hỗ trợ điện tử. Ngoài ra, nhiều tàu ngầm và cả lực lượng hỗ trợ tàu ngầm cũng đóng tại Guam. Trong tương lai, vài đơn vị lính thủy đánh bộ đang đồn trú ở Nhật Bản cũng sẽ quay về Guam.
Mặc dù khả năng đảo Guam bị chiếm rất thấp, việc Mỹ để quá nhiều tài sản có giá trị ở đó khiến nó trở thành mục tiêu hấp dẫn. Không phải ngẫu nhiên mà Lầu Năm Góc lắp đặt một khẩu đội phòng thủ tên lửa ở Guam vào năm 2013, đồng thời duy trì một cơ số tên lửa thông minh Talon (được dẫn đường bằng tia laser) ở đây. Trung Quốc chỉ có thể tấn công Guam bằng tên lửa đạn đạo nên khả năng đe dọa đảo của họ khá hạn chế. Nhưng khi hàng không mẫu hạm mang tên lửa tầm xa của Trung Quốc rẽ sóng ở vùng trung tâm Thái Bình Dương, khả năng tấn công Guam của họ tăng lên rất nhiều. Washington dồn càng nhiều phương tiện về Guam để phòng thủ thì nguồn lực dành cho việc bảo vệ đồng minh của họ ở phía tây Thái Bình Dương sẽ giảm.
Cuối cùng, khả năng triển khai tên lửa không đối đất tầm xa hay máy bay chiến lược tầm xa của Trung Quốc sẽ làm giảm lợi thế của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương. Từ Thế chiến thứ hai tới nay, không quốc gia nào có khả năng tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với các tuyến đường tiếp tế của Mỹ. Nhưng tình hình sẽ thay đổi nếu chiến tranh Trung – Mỹ nổ ra. Mặc dù hai bên sẽ không tấn công lãnh thổ trên lục địa (do lo ngại đòn trả đũa bằng vũ khí hạt nhân), họ sẽ cố gắng hủy diệt những mục tiêu trên biển và trên không của đối phương.