Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng Australia sẽ gây áp lực lên TQ về Biển Đông

Trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới, thủ tướng Australia sẽ mạnh mẽ cảnh báo hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông làm tổn hại quan hệ quốc tế cũng như nền kinh tế nước này.

Wall Street Journal dẫn thông tin từ những người biết về chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói ông Turnbull sẽ thúc giục chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường điều chỉnh lại mối quan hệ với các nước láng giềng.

Điều này bởi vì mối quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á trở nên căng thẳng do các hoạt động bồi lấp và triển khai vũ khí trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Australia gay ap luc voi Trung Quoc ve Bien Dong anh 1

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Ảnh: ABC.net

Trong chuyến thăm này, ông Turnbull vừa phải gây áp lực ngoại giao lên Trung Quốc, vừa cần đẩy mạnh hơn mối quan hệ với đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Australia. Nhà lãnh đạo Australia sẽ dẫn đầu đoàn doanh nghiệp nước này tới thành phố Thượng Hải hôm 14/4 trước khi tới Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo ông Huge White, nhà phân tích chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, đánh giá lợi ích kinh doanh sẽ khó làm thay đổi các ưu tiên chiến lược hiện nay của Trung Quốc.

"Những gì diễn ra ở Biển Đông chính chiếm phần chính yếu trong toàn bộ giấc mơ Trung Hoa của ông Tập Cận Bình. Trung Quốc đang đẩy mạnh các thách thức đối với Mỹ về việc ai sẽ là người dẫn dắt châu Á", ông White nói. Theo chuyên gia, sự hiện diện của 1.000 doanh nhân Australia "sẽ không khiến ông Tập từ bỏ" tham vọng.

Ngày 12/4, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng ông không biết bất kỳ kế hoạch nào của thủ tướng Australia đề cập tới việc thảo luận vấn đề Biển Đông. Ông này nói rằng "một số người không cần phải lo lắng về những chuyện không đâu".

Chuyến thăm đầu tiên của ông Turnbull tới Trung Quốc trên cương vị thủ tướng Australia diễn ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hà Lan dự kiến ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông vào tháng 5.

Phần lớn nhà quan sát hy vọng PCA sẽ ra phán quyết rằng các hoạt động mà Trung Quốc thực hiện ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Bắc Kinh lớn tiếng cho rằng họ không bị ràng buộc trước phán quyết của tòa. 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý thông qua yêu sách "đường lưỡi bò" nuốt gần trọn Biển Đông. Thời gian qua, Bắc Kinh liên tiếp thực hiện các động thái phi pháp ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã đưa tên lửa và hệ thống phòng không trái phép tới đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại động thái này nằm trong âm mưu quân sự hóa Biển Đông.

Nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị mở rộng việc xây dựng trái phép trên bãi cạn Scarborough, cách quần đảo Trường Sa 350 hải lý. Một số tàu Trung Quốc tập trung hoạt động trên bề mặt bãi cạn mà Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát của Philippines từ tháng 4/2012.

60% thương mại đường biển của Australia và 1/3 giao thông hàng hải thế giới đi qua Biển Đông. Do đó, Australia hay các nước ven Biển Đông không thể khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc độc chiếm khu vực.

TQ muốn tham vấn, Philippines quyết chờ tòa phán quyết

Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành "tham vấn thân thiện" với các nước láng giềng để tránh đối đầu trong các hoạt động đánh bắt trên Biển Đông.


Hải Anh

Bạn có thể quan tâm