Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TQ muốn tham vấn, Philippines quyết chờ tòa phán quyết

Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành "tham vấn thân thiện" với các nước láng giềng để tránh đối đầu trong các hoạt động đánh bắt trên Biển Đông.

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ cuối tuần qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết các cuộc đối đầu giữa ngư dân Trung Quốc và ngư dân Philippines, Malaysia, Việt Nam, đảo Đài Loan có thể tránh được thông qua "tham vấn thân thiện".

"Hợp tác nghề cá là một phần quan trọng trong hoạt động hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, bao gồm các nước ven Biển Đông", trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích tuyên bố của ông Lục trong buổi họp báo.

Người phát ngôn ngang nhiên cho rằng chính phủ Trung Quốc coi trọng việc quản lý nghề cá và hướng dẫn ngư dân tiến hành hoạt động khai thác phù hợp với quy định, luật pháp.

Trung Quoc muon tham van ve danh ca o Bien Dong anh 1

Ngư dân Philippines cắm cờ trên bãi cạn Scarborough. Ảnh: news.com.au

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, Philippines đã ghi nhận nhiều trường hợp gây hấn của tàu Trung Quốc, đặc biệt ở vùng biển gần bãi cạn Scarborough.

Theo Inquirer, Manila đang chờ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) về yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, dự kiến được đưa ra trong vài tuần tới. Vụ kiện của Philippines đề cập đến hai vấn đề liên quan đến hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông.

Theo đó, Trung Quốc không ngăn công dân và tàu nước này khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, trong khi lại cản trở bất hợp pháp ngư dân Philippines kiếm sống khi can thiệp hoạt động đánh bắt truyền thống ở bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này bị Trung Quốc chiếm đóng và gọi là Hoàng Nham. 

Trong khi đó, từ Manila, Đại sứ Philippines tại Washington Jose Cuisia Jr. ngày 12/4 cảnh báo, mọi động thái của Trung Quốc nhằm biến một bãi cạn tranh chấp thành một hòn đảo sẽ làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu Washington hối thúc Bắc Kinh không thực hiện hành động khiêu khích.

"Tôi nghĩ rằng đây sẽ là hành động khiêu khích nghiêm trọng nếu họ tiến hành xây dựng trên bãi cạn Scarborough", ông Cuisia khẳng định và nói thêm rằng "nó có thể làm leo thang căng thẳng và xảy ra xung đột".

Trung Quoc muon tham van ve danh ca o Bien Dong anh 2

Vị trí bãi cạn Scarborough trên bản đồ. Đồ hoạ: Wikipedia


Ông Cuisia cho biết, Hải quân Mỹ phát hiện một tàu nghi là tàu thăm dò của Trung Quốc hoạt động động ở bãi cạn Scarborough vài tuần trước, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của nó tại khu vực biển tranh chấp.

Theo vị đại sứ, quân đội Philippines sau đó đã kiểm tra nhưng không phát hiện gì khả nghi, có thể do tàu Trung Quốc đã rời đi. Trước đó, Hải quân Mỹ phát hiện tàu thăm dò gần bãi cạn Scarborough, một ngư trường giàu cá cách Philippines 230 km về phía tây. Điều này đã củng cố thêm những nghi ngờ rằng Bắc Kinh đang nhắm đến đảo san hô rộng lớn này.

Bãi cạn Scarborough không chỉ là một ngư trường dồi dào, vùng đầm phá ở đây còn giúp các ngư dân tránh những cơn bão dữ trên Thái Bình Dương.

Nhưng từ năm 2012, Trung Quốc đã dùng sức mạnh để chiếm đóng bất hợp pháp bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh cử tàu tuần duyên canh gác nghiêm ngặt ở Scarborough, vừa chặn các tàu cá Philippines, vừa tạo điều kiện để ngư dân Trung Quốc vơ vét tài nguyên.

Malaysia, Indonesia cũng từng ghi nhận nhiều trường hợp tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép và có hành động lấn chiếm.

Trung Quốc phủ nhận đưa tàu cá vào vùng biển Malaysia

Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia, ông Huang Hui Kang, bác bỏ cáo buộc rằng tàu cá của nước này đã đi vào vùng biển Malaysia để đánh bắt.

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm