"Chúng tôi yêu cầu các nước thành viên G7 tôn trọng cam kết không đứng về phe nào trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/4 cho hay.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang ngược "yêu cầu các nước G7 tôn trọng nỗ lực của các nước khác trong khu vực, chấm dứt những bình luận và hành động vô trách nhiệm, đóng vai trò thật sự trong việc xây dựng hòa bình và ổn định khu vực".
Cơ quan này đồng thời tuyên bố sẽ không chấp nhận và không tham gia vụ kiện với Philippines.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 11/4, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc ngoại trưởng G7 bày tỏ quan ngại trước các hành động khiêu khích trên Biển Đông và biển Hoa Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho hay:
"Dường như nhiều bài báo gần đây cho rằng cuộc họp của các ngoại trưởng G7 tại Nhật Bản sẽ bàn nhiều đến vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuy nhiên, tôi không thấy các tài liệu bạn đã đề cập. Sau khi đọc, chúng tôi sẽ xem xét liệu những tài liệu đó có đáng để đưa ra bình luận hay không".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo ngày 11/4. Ảnh: Fmprc.gov.cn |
Người phát ngôn còn mạnh miệng nói rằng "dù một số nước đang tiếp tục thổi phồng vấn đề, khát vọng hoà bình và ổn định khu vực sẽ không thay đổi".
Lục Khảng ngang nhiên nhấn mạnh, nếu muốn gây ảnh hưởng với cộng đồng quốc tế, G7 cần có thái độ tôn trọng sự thật và giải quyết những vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm hơn.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lớn tiếng rằng G7 nên tập trung vào quản trị kinh tế toàn cầu và hợp tác trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu kém hiện nay, thay vì thổi phồng các tranh chấp và kích động vấn đề.
Các thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam . Đồ hoạ: NY Times |
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp hai ngày tại Hiroshima, Nhật Bản, các ngoại trưởng G7 bày tỏ lo ngại về tranh chấp hàng hải trên Biển Đông và biển Hoa Đông, trong đó ngầm chỉ trích động thái từ Trung Quốc. Ngoại trưởng các nước thành viên G7 "phản đối bất kỳ hành động đe doạ hay đơn phương khiêu khích có thể làm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, biển Hoa Đông".
Trước đó, tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng G7, Nhật Bản hy vọng các bộ trưởng sẽ lên tiếng phản đối hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng của các vùng biển, cũng như khuyến khích phương Tây góp tiếng nói nhiều hơn để thay mặt các nước Đông Nam Á đang có lợi ích ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự của các ngoại trưởng G7. Theo Bắc Kinh, việc Nhật Bản đề cập tới những tranh chấp trên biển là "sự khiêu khích" ảnh hưởng tới "những mối quan tâm thích đáng hơn". Trung Quốc cũng yêu cầu Nhật Bản đưa vấn đề Biển Đông khỏi chương trình nghị sự.
G7 là tập hợp 7 nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới, gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức và Italy). Nhóm được thành lập vào năm 1976. G7 sẽ họp vài lần mỗi năm để bàn luận và trao đổi về chính sách kinh tế. G7 nhóm họp lần đầu vào ngày 11/4/2008 ở Washington, D.C. để bàn về cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2008.
Hội nghị cấp cao G7 năm 2016 là lần tổ chức thứ 42, diễn ra vào cuối tháng 5 tại thành phố Hiroshima, do Thủ tướng Abe chủ trì.