Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật Bản quyết đưa Biển Đông vào hội nghị ngoại trưởng G7

Cuộc họp của các ngoại trưởng G7 bắt đầu với lời kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân nhưng ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố các bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về an ninh hàng hải.

Hôm 10/4, bộ trưởng Ngoại giao của nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới bắt đầu nhóm họp tại Hiroshima (Nhật Bản) với lời kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, người chủ trì cuộc họp thường niên kéo dài hai ngày, tuyên bố các bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về an ninh hàng hải.

“Tôi hy vọng một thông điệp mạnh mẽ về hòa bình, ổn định và thịnh vượng sẽ được truyền tới cả thế giới tại hội nghị ngoại trưởng các nước G7 ở Hiroshima”, ông Kishida nói tại phiên khai mạc hội nghị.

Van de Bien Dong anh 1
Ngoại trưởng các nước G7 đang họp thường niên tại Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Phía Nhật Bản hy vọng, các bộ trưởng G7 sẽ lên tiếng phản đối hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng của các vùng biển cũng như khuyến khích phương Tây góp tiếng nói nhiều hơn để thay mặt các nước Đông Nam Á đang có lợi ích ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự của các bộ trưởng ngoại giao G7.

Bắc Kinh cảnh báo “những mối quan tâm thích đáng” có thể bị lu mờ bởi việc Nhật Bản đẩy Biển Đông trở thành chủ đề then chốt của chương trình nghị sự, Reuters đưa tin.

Theo Bắc Kinh, việc Nhật Bản đề cập tới những tranh chấp trên biển là “sự khiêu khích” ảnh hưởng tới “những mối quan tâm thích đáng hơn”. Trung Quốc cũng yêu cầu Nhật Bản đưa vấn đề Biển Đông khỏi chương trình nghị sự.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo việc đưa Biển Đông ra hội nghị G7 sẽ không mang lại giải pháp.

Trả lời tờ Tân Hoa Xã, ông Vương cho rằng mục đích thực sự của Nhật Bản khi nhắc đến Biển Đông tại hội nghị bộ trưởng các nước G7 là để khiêu khích phương Tây chống lại Trung Quốc.

Trong sự kiện năm 2015 diễn ra tại Lubeck, Đức, ngoại trưởng G7 đã ban hành tuyên bố chung về an ninh hàng hải, trong đó kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các phán quyết của tòa án liên quan tới an ninh hàng hải cần được tôn trọng. Trung Quốc và các hành động của Bắc Kinh không được nêu đích danh trong tuyên bố chung.

Trung Quốc đang nỗ lực tiến hành các hoạt động cải tạo, quân sự hóa trên Biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền, nơi Bắc Kinh tuyên bố sở hữu hơn 80% diện tích.

Mỹ đã tăng cường chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc, đồng thời tiến hành các cuộc tuần tra trên Biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trên tuyến hàng hải huyết mạch. Các nước châu Âu cũng kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế.

Van de Bien Dong anh 2

Bản đồ các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm đá Xu Bi, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Vành Khăn, bãi Chữ Thập và đá Châu Viên. Đồ họa: 

NASA

Chống khủng bố

Ngoài vấn đề an ninh hàng hải và hạt nhân, hội nghị ngoại trưởng G7 cũng bàn về những nguy cơ từ khủng bố, đặc biệt trong bối cảnh thủ đô Paris, Pháp và Brussels của Bỉ bị tấn công.

Dù Nhật Bản nằm ngoài phương Tây nhưng Tokyo không thể thờ ơ với mối đe dọa từ các hoạt động cực đoan. Các nước châu Á đã trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố. Các chuyên gia cảnh báo trong thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay hay Thế vận hội Tokyo 2020, Nhật Bản có thể trở thành mục tiêu của khủng bố.

Trong cuộc họp báo tối 10/4, ông Yasuhisa Kawamura, thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, không tiết lộ những hành động cụ thể để chống lại chủ nghĩa khủng bố mà ngoại trưởng các nước đã thảo luận.

Tuy nhiên, ông Kawamura cho biết ngoại trưởng Nhật nhấn mạnh rằng các nước G7 cần tận dụng thế mạnh của mình để hỗ trợ nhau trong cuộc chiến chống khủng bố. Một cuộc họp báo chính thức sẽ diễn ra chiều 11/4 để công bố về kết quả của cuộc gặp.

Ngoại trưởng Mỹ không xin lỗi nạn nhân bom nguyên tử

Ngoại trưởng John Kerry không đưa ra lời xin lỗi cho việc Mỹ sử dụng bom nguyên tử nhằm vào Nhật Bản trong Thế chiến 2 khi ông tới thăm bảo tàng ở Hiroshima.

Thành phố Hiroshima, nơi hội nghị ngoại trưởng G7 đang nhóm họp, từng bị một quả bom nguyên tử xóa sổ ngày 6/8/1945.

Ngoài ông Kerry, ngoại trưởng Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật cũng có mặt trong đoàn tham quan Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima và đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ ném bom.

Chuyến đi của ông Kerry cũng mở đường cho một sự kiện lịch sử chưa từng có khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Hiroshima để dự hội nghị thượng đỉnh G7 trong tháng tới. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy phía Nhật Bản muốn tổng thống Mỹ xin lỗi khi tham dự hội nghị tại Hiroshima.

G7 là tập hợp 7 nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới, gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức và Italy). Nhóm được thành lập vào năm 1976. G7 sẽ họp vài lần mỗi năm để bàn luận và trao đổi về chính sách kinh tế. G7 nhóm họp lần đầu vào ngày 11/4/2008 ở Washington, D.C. để bàn về cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2008.

Hội nghị cấp cao G7 năm 2016 là lần tổ chức thứ 42, diễn ra vào cuối tháng 5 tại thành phố Shima, do Thủ tướng Abe chủ trì.

Mỹ phản pháo Trung Quốc, muốn G7 bàn về Biển Đông

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/4 nhấn mạnh hội nghị G7 sắp tới cần thảo luận về tình hình Biển Đông dù Bắc Kinh liên tục yêu cầu không đưa nội dung này vào chương trình nghị sự.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm