Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Làm báo bây giờ rất khó

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chia sẻ một vài tâm tư về làng báo và người làm báo bây giờ.

-Thưa Thứ trưởng, Việt Nam đang ở thời kỳ bùng nổ thông tin với sự ra đời của nhiều phương thức truyền thông mới. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển của báo chí. Trong bối cảnh như thế, Thứ trưởng nhận định như nào về các mảng sáng, tối của báo chí Việt Nam hiện nay?

Phóng viên tác nghiệp trong vụ ngập lụt tại Thạch Thất, Hà Tây, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Phóng viên tác nghiệp trong trận mưa ngập lịch sử năm 2008.

- Sự ra đời của tin tức trực tuyến dựa trên sự phát triển của mạng Internet, mạng di động là một cơ hội cũng như là thách thức mới cho cả cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí. Mảng sáng, tối mà bạn đề cập trong thực tế đời sống báo chí hiện nay chính là khía cạnh pháp luật và đạo đức.

 Bên cạnh những mảng sáng như thông tin nhanh nhạy, tính tương tác và mức độ lan tỏa, bao quát rất cao, thì báo điện tử và mạng xã hội ở Việt Nam có rất nhiều “bệnh” đặc thù do các cơ quan báo chí, nhà báo cố tình lạm dụng. 

Chúng tôi có thể thống kê những nhóm vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay đó là: Vi phạm bản quyền, xâm phạm đời tư, phỉ báng gây tổn hại danh dự các tổ chức và cá nhân, nguỵ tạo hình ảnh, đính chính và siêu liên kết với các mạng ngoài. 

Trong môi trường Internet, những việc lạm dụng như ăn cắp thông tin, xúc phạm danh dự cá nhân rất dễ có điều kiện phát triển do ý thức của người sử dụng, kể cả nhà báo nhầm tưởng hành vi trái pháp luật và đạo đức nói trên không để lại dấu vết bằng “giấy trắng mực đen”. 

Nhưng đừng vội vui mừng, những hành vi như vậy rất dễ thực hiện nhưng cũng rất dễ bị phát hiện. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã xử lý rất nhiều trường hợp đối với cơ quan báo chí và nhà báo vi phạm pháp luật, vài trường hợp nghiêm trọng phải chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Không dung túng vi phạm bản quyền

- Thưa Thứ trưởng, trong bối cảnh báo chí như thế, có ý kiến cho rằng làm báo bây giờ dễ, người làm báo có khi chỉ cần chăm chăm xem Facebook của một người mẫu, diễn viên, ca sỹ nào đó là cũng đều đều cho ra tin, bài. 

Cũng có ý kiến cho rằng, làm báo bây giờ khó, một bài độc quyền đưa lên mạng 15 phút sau đã không còn độc quyền. Tình trạng xào xáo, copy bài vở quá phổ biến. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thách thức đối với việc tác nghiệp của phóng viên hiện nay?

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: Như Ý
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. 

- Ý kiến “làm báo bây giờ dễ” mà bạn nêu ra chính là một suy nghĩ tiêu cực. Tôi thấy bây giờ làm báo rất khó so với thời điểm cách đây hơn 10 năm. Tuổi thọ thông tin ngắn hơn, sức ép về độ trễ của thông tin là một áp lực đối với bất cứ nhà báo chân chính nào. Để đáp ứng yêu cầu đó, nhà báo đòi hỏi phải trau dồi nghiệp vụ, làm chủ các phương tiện kỹ thuật, tổ chức nguồn tin tốt hơn. 

Vấn đề thực tế xem Facebook, copy bài vở như đã nói liên quan đến việc tổ chức nguồn tin và vi phạm bản quyền. Việc dẫn nguồn không chính thống không chỉ là vấn đề của báo chí và truyền thông Việt Nam mà là vấn đề thách thức đối với báo chí và truyền thông cả thế giới. Eric Schmidt, Chủ tịch điều hành của Google, đã nhận định đây là vấn đề “khủng hoảng đưa tin”. Báo chí Việt Nam cũng đang ở trong giai đoạn “khủng hoảng đưa tin” như vậy. 

Trước những hệ thống mạng mở ra đời ngày càng nhiều, cho phép người dùng chia sẻ thông tin ngay tức khắc ở khắp nơi và dễ dàng tiếp cận, các cơ quan truyền thông chính thống sẽ ngày càng chậm chạp trong lĩnh vực thông tin dù họ có đội ngũ phóng viên giỏi và nguồn tin nhiều. Độ trễ thời gian và tuổi thọ thông tin ngắn ngủi là sức ép để không ít cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử và trang thông tin điện tử sử dụng bừa bãi những nguồn tin không chính thống dẫn đến sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Qua tổng hợp thông tin sai phạm mà Bộ Thông tin và Truyền thông từng xử lý, việc dẫn nguồn không chính thống từ mạng xã hội của các báo điện tử, trang thông tin điện tử rất phổ biến, thậm chí nhiều tờ báo còn mở chuyên mục như: “Thời sự Facebook”. 

Nên nhớ, thông tin trên mạng xã hội là thông tin của cá nhân, mang tính chủ quan, bản chất thông tin đó là tự do nhưng bất kể hành vi của “công dân ảo” nào cũng phải được điều chỉnh bằng khuôn khổ luật pháp của quốc gia mà họ sinh sống.

Ở Việt Nam, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, kịp thời đáp ứng đòi hỏi thông tin của xã hội và đảm bảo quyền được thông tin theo quy định của pháp luật. Giờ đây, nhiệm vụ quan trọng của đông đảo đội ngũ những người làm báo và các tòa soạn báo điện tử, trang tin điện tử là thu thập thông tin, tổng hợp thông tin, sàng lọc và xác minh nguồn tin cẩn thận để quyết định đăng tải thông tin một cách chính xác, phù hợp với lợi ích cộng đồng và lợi ích quốc gia, dân tộc.  

Tình trạng “làm báo bây giờ dễ” như bạn nêu nhờ copy, xào xáo thông tin nay cũng đã đến mức báo động. Bản quyền tác giả bị vi phạm nghiêm trọng bởi các báo điện tử, trang tin điện tử tổng hợp tại Việt Nam.

Những hành vi phổ biến có thể liệt kê ở đây là sử dụng tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu; không trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định của pháp luật; cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm; xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu. 

Tình trạng này là do nhiều trang thông tin điện tử bất chấp những chuẩn mực đạo đức truyền thông, các cơ quan báo chí và tòa soạn điện tử không lên tiếng bảo vệ phóng viên của mình trước nạn vi phạm quyền tác giả. Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí sẽ tiếp tục có biện pháp mạnh, không dung túng đối với hành vi vi phạm bản quyền trong thời gian tới.

Xin cảm ơn Thứ trưởng.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/lam-bao-bay-gio-rat-kho-874451.tpo

Theo Nguyễn Hoài/ Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm