Gần 10 ngày sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố sáng kiến về hỗ trợ an ninh với 300 triệu USD cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế, bà Andrea L. Thompson đã có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 15-17/8.
Bà đến Hà Nội, Quảng Trị, TP.HCM và gặp gỡ nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam như Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, đại diện Bộ Quốc phòng, nhằm thảo luận về việc tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Thứ trưởng Andrea L. Thompson có cuộc trao đổi duy nhất với Zing.vn sau chuyến đi tới VN từ ngày 15-17/8. |
Vừa đáp chuyến bay từ Quảng Trị đến TP.HCM chiều 17/8, Thứ trưởng Thompson đã dành cho Zing.vn một cuộc phỏng vấn độc quyền. Tại đây, bà khẳng định hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam là "dài hạn và chiến lược" với các ưu tiên về an ninh hàng hải, hợp tác đào tạo, mua bán và trao đổi trong lĩnh vực quốc phòng.
- Chuyến đi của bà tới Quảng Trị thế nào?
- Toàn bộ chuyến đi là rất ấn tượng. Đầu tiên là ở Hà Nội, nơi tôi có cuộc gặp quan trọng với lãnh đạo của cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.
Sau đó tôi bay tới Huế, lái xe tới Quảng Trị và có cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh và tới các điểm để quan sát thực địa việc dọn dẹp bom mìn còn sót lại, gặp người dân địa phương, chứng kiến những nỗ lực ở đó với nhóm giúp đỡ dọn dẹp bom mìn.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của tôi tới VN và tôi sẽ không bao giờ quên chuyến thăm này.
100 triệu USD là tổng của một loạt hợp đồng và thỏa thuận, trong đó bao gồm các hạng mục từ an ninh hàng hải, đào tạo, duy trì, mua sắm trang thiết bị của tàu tuần duyên.
- Các cuộc trao đổi của bà với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và với lãnh đạo Bộ Quốc phòng diễn ra ra sao?
- Tôi biết phó thủ tướng có hội nghị rất quan trọng với các đại sứ (Hội nghị Ngoại giao 30) nên tôi rất trân trọng việc ông rời hội nghị để gặp chúng tôi.
Chúng tôi đã trao đổi về an ninh hàng hải, về hợp tác quốc phòng trong quan hệ song phương; phía VN có thể mong chờ gì về an ninh quốc tế với Ngoại trưởng (Mike Pompeo), trao đổi về thế mạnh của VN. Hai nước đều có lợi ích với một VN mạnh, độc lập và thịnh vượng.
"100 triệu USD là tổng của một loạt hợp đồng và thỏa thuận". |
- Với lĩnh vực quốc phòng chuyên môn của bà, bà với đại diện Bộ Quốc phòng VN đã trao đổi gì?
- Chúng tôi trao đổi về mối quan hệ đối tác quốc phòng, nói về chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson (vào tháng 3), và quan trọng hơn là nói về an ninh hàng hải và khả năng VN có thể đào tạo và trang bị lực lượng của mình.
Chúng tôi cũng nói về việc mua tàu tuần duyên (lớp Hamilton), về việc chuyển giao xuồng tuần tra biển gần đây. Rất nhiều bước cụ thể trong hợp tác quốc phòng hai bên.
Hợp đồng quốc phòng là chiến lược và dài hạn
- Đây có bao gồm trong gói mua vũ khí 100 triệu USD mà báo chí đã nói gần đây giữa hai nước?
- 100 triệu USD là tổng của một loạt hợp đồng và thỏa thuận, trong đó bao gồm các hạng mục từ an ninh hàng hải, đào tạo, duy trì, mua sắm trang thiết bị của tàu tuần duyên. Như vậy là có khoảng 3-4 hợp đồng mua sắm. Một số là mua bán thương mại trực tiếp. Tóm lại, đây là quan hệ đối tác rất tốt và chúng tôi đang cố gắng xây dựng quan hệ đó.
- Đây là thương vụ mua bán vũ khí đầu tiên kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí sát thương được gỡ bỏ hoàn toàn từ 2015. Có vẻ các thương vụ mua bán vũ khí như vậy diễn ra khá chậm?
- Quan hệ quốc phòng hay các hợp đồng mua bán vũ khí đều là của mối quan hệ chiến lược dài hạn. Đó là những lợi ích quan trọng nhất nên các trao đổi liên quan đôi khi kéo dài nhiều tuần, đôi khi là nhiều tháng – nhưng đó là mối quan hệ chiến lược dài hạn.
Về phía chính quyền Mỹ, chúng tôi đang xem xét lại quy trình mua bán vũ khí để có thể đẩy nhanh tiến trình lên. Nhưng như tôi nói, quan hệ quốc phòng là dài hạn và chiến lược và đôi khi là sẽ cần thời gian hơn.
- Gần đây ở diễn đàn ARF tại Singapore, Ngoại trưởng Mike Pompeo có công bố sáng kiến hỗ trợ quốc phòng cho khu vực (với 300 triệu USD). Vị trí của VN trong sáng kiến đó? Tôi thấy tên VN ở đó nhưng chi tiết thì chưa rõ ràng.
- Đây đang là thời điểm rất thú vị cho cả hai nước. Ngoại trưởng Pompeo công bố sáng kiến 300 triệu USD hỗ trợ quốc phòng đó cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và giờ chúng tôi đang làm rõ chi tiết với từng nước.
Tóm lại sáng kiến đó là để thúc đẩy an ninh quốc gia cho hai bên. Với VN thì có lẽ điểm nhấn sẽ là an ninh hàng hải.
- Vậy là chưa có chi tiết cụ thể về cấu phần hợp tác?
- Chi tiết thì vẫn đang được bàn thảo nên tôi không muốn phát ngôn trước. Với VN, nó sẽ phụ thuộc xem các đối tác ở đây cần gì.
- Với Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP), Mỹ mong chờ vai trò gì của VN trong FOIP?
- Điểm nhấn quan trọng của FOIP là thương mại tự do, công bằng và mở. Chúng tôi thấy VN có vai trò rất quan trọng trong chiến lược đó. Ngoài ra, còn có quan hệ về an ninh, an ninh hàng hải để duy trì các các tuyến giao thương hàng hóa.
Ngoại trưởng (Pompeo) đã công bố các sáng kiến (về thương mại, quốc phòng) và giờ chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng dựa trên đó.
Trên góc độ khu vực, chúng ta thấy Tổng thống Trump đã tới thăm VN, các ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đều tới đây. Tôi chỉ là nhân vật nhỏ, nhưng thứ trưởng ngoại giao cũng đã tới,… Như vậy là tất cả nhưng nhân vật quan trọng của chúng tôi đều đã tới VN. Điều đó đủ cho thấy VN quan trọng như thế nào với Mỹ.
- Hợp tác quốc phòng đóng vai trò ra sao trong FOIP?
- Quan hệ quốc phòng hai bên là rất mạnh. Chúng tôi thấy điều này qua mọi chặng của chuyến thăm, kể cả với bộ quốc phòng, với quan chức chính phủ. Dù là về hợp tác huấn luyện, trang thiết bị. Gần đây chúng ta thấy VN tham gia RIMPAC, cuộc tập trận hàng hải lớn nhất thế giới. Quốc phòng là rất quan trọng trong hợp tác song phương.
Lo lắng về tâm lý "Chiến tranh Lạnh" mới
- Bà nhắc tới thương mại quan trọng trong chiến lược FOIP. Liệu Mỹ có cân nhắc quay trở lại CPTPP (TPP-11)?
- Tôi phụ trách về an ninh toàn cầu và kiểm soát vũ khí. Tôi vẫn nói các kinh tế gia thì không nên tương tác với chuyên gia an ninh hay vũ khí. Tôi sẽ không bình luận về công việc của các chuyên gia kinh tế.
- Nói về vũ khí, báo chí vừa đưa tin về việc Trung Quốc tích cực phát triển máy bay ném bom tầm xa và huấn luyện phi công nhắm vào các mục tiêu Mỹ. Bà có bình luận gì về diễn biến này?
- Tôi ở trong quân ngũ 28 năm, vì thế tôi tự tin vào năng lực quân sự của Mỹ. Mỹ có quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Chúng tôi đồng ý một số lĩnh vực và bất đồng về một số điểm. Nói về hiện đại hóa vũ khí thì chúng tôi cũng đang hiện đại hóa vũ khí và quân trang. Tôi khá tự tin vào khả năng của quân đội Mỹ.
- Có những lo lắng của các nước nhỏ và trung bình về sự leo thang tâm lý “Chiến tranh Lạnh” giữa Mỹ với Trung Quốc. Bà nghĩ sao về điều này?
- Tôi không đồng tình với nhận định này. Tổng thống Trump đã mời ông Tập tới Mỹ và hai bên đã gặp nhau tại một số diễn đàn. Ngoại trưởng Pompeo cũng vậy. Nếu có tâm lý Chiến tranh lạnh thì sẽ không có những kênh tương tác trực tiếp vậy giữa lãnh đạo hai nước.
- Nhưng rõ ràng, hai bên đang có chiến tranh thương mại. Và có vẻ là nó đang leo thang.
- Tôi tin tưởng vào đối thoại (giữa hai bên) và tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo (của chính quyền Mỹ). Cuối cùng thì hai bên vẫn có đối thoại và đó là nỗ lực tích cực.
Sáng kiến mới không phải là tân trang của "tái cân bằng"
- Các sáng kiến mới công bố của Ngoại trưởng Pompeo được một số chuyên gia đánh giá là phiên bản mới của “tái cân bằng”. Điều đó có đúng?
- Những gì tôi nghe thì nó không phải là bản tân trang của “tái cân bằng”. Đây là góc nhìn, cách tiếp cận mới.
Nó được xây dựa trên thành công của quá khứ - rất nhiều thành tựu được thực hiện trong nhiều năm. Nhưng với chính quyền này nó là cách nhìn mới, góc tiếp cận mới. nên tôi tự tin sáng kiến Ấn Độ Thái Bình Dương hoàn toàn là sáng kiến của chính quyền Trump.
- Có sự lo lắng trong khu vực về cam kết của Mỹ tại khu vực. Quá nhiều bất nhất của chính quyền rồi là sự khác biệt giữa những gì Tổng thống của bà nói với bên Bộ Ngoại giao?
- Nếu nhìn vào đã có bao nhiêu lãnh đạo cấp cao Mỹ đã tới VN: Tổng thống đã tới đây, Ngoại trưởng cũng đã tới. Phó Tổng thống cũng đã tới khu vực, không phải VN nhưng mà là tới các đối tác ASEAN khác. Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cũng đã tới đây. Nếu nhìn vào chuyến thăm của các lãnh đạo và hành động của họ thì có thể thấy mức độ cam kết của họ đối với khu vực.
- Hè năm ngoái, một số chuyên gia đã bình luận về chuyện Mỹ đã thua ở Biển Đông, đặc biệt là với việc quân sự hóa của Trung Quốc. Washington sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn để đối trọng với việc quân sự hóa này?
- Chúng tôi không muốn việc quân sự hóa các điểm đảo này. Chúng tôi muốn một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở. Chúng tôi muốn tự do hàng hải và Washington đã luôn kiên định thông điệp đó.
Tôi sẽ không chen vào nói phần của Bộ trưởng Mattis mà sẽ để Bộ Quốc phòng nói chi tiết các bước của mình. Nhưng cam kết của Mỹ thì không thay đổi trong vấn đề đó.
Quan hệ quốc phòng hay các hợp đồng mua bán vũ khí đều là của mối quan hệ chiến lược dài hạn.
- Bà có 28 năm trong quân ngũ. Bà nhìn thấy mối đe dọa thế nào từ sự quân sự hóa các điểm đảo?
- Mục tiêu cuối cùng của người lính là không bao giờ phải chiến đấu trong các cuộc xung đột. Nếu anh làm đúng công việc của mình thì nó sẽ đem lại hòa bình. Đó là điều chúng tôi muốn ở ngoài biển. Chúng tôi không muốn quân sự hóa, chúng tôi muốn hòa bình. VN cũng chia sẻ quan điểm này.
VN có lợi từ chia sẻ thông tin trong quan hệ với Mỹ
- Việc quân sự hóa đã diễn ra trong thời gian tương đối dài. Có cách nào để giảm được quân sự hóa này? Mỗi lần có hình ảnh vệ tinh mới ta lại thấy việc quân sự hóa được mở rộng.
- Nó sẽ cần các quan hệ hợp tác, đối tác, việc chia sẻ thông tin là rất quan trọng. Đó là một phần quan trọng trong mối quan hệ giữa Mỹ và VN: bạn sẽ được chia sẻ thông tin, chúng ta có đào tạo cùng nhau. Với hợp tác quốc phòng, chúng ta sẽ có luyện tập, trang bị với nhau. Chúng ta đã thấy điều đó với chuyến thăm của tàu sân bay tới đây, với việc trao tàu tuần duyên và xuồng tuần tra.
- Trong vị trí của bà thì còn những ưu tiên gì nữa trong quan hệ với VN?
- Chủ yếu các ưu tiên là về an ninh và quốc phòng, bao gồm cả chương trình hỗ trợ tài chính quốc phòng (FMF) và mua bán thiết bị quốc phòng trực tiếp. Tôi hy vọng là chuyến thăm tới của tôi sẽ chứng kiến nhiều hơn nữa những hợp tác này.
- Bà tới Quảng Trị thì có rất nhiều bom mìn chưa nổ ở đó, nhiều nạn nhân của chiến tranh. Gần đây thì tòa án San Francisco phán quyết thắng lợi gần 300 triệu USD cho một nạn nhân kiện công ty Monsanto. Bà nghĩ sao về vấn đề chất độc da cam trong quan hệ song phương khi VN vẫn có khoảng 3-4,5 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam?
- Những gì tôi chứng kiến ở Quảng Trị và những nỗ lực về rà phá bom mìn: trước kia chúng ta có nhiều người bị thương và chết vì bom mìn sót lại, còn năm ngoái thì không còn. Điều đó cho thấy quyết tâm của cả hai nước và cộng đồng quốc tế.
Tôi nhìn về quá khứ nhưng tôi cũng rất hào hứng với tương lai (hai nước).
- Làm nhà ngoại giao có khó hơn so với khi bà còn trong quân đội?
- Không, một người lính giỏi chính là một nhà ngoại giao. (cười).
- Xin chân thành cảm ơn bà.
Bà Andrea L. Thompson chính thức được bổ nhiệm vào vị trí thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế từ ngày 26/4. Trước đó, bà là cố vấn an ninh quốc gia cho Phó tổng thống Mike Pence và từng phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 1988 đến 2016 trong nhiều vị trí như nhân viên tình báo, trợ lý chánh văn phòng quân đội, cố vấn và các chức vụ cấp cao khác.