Sáng 15/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Ngoại giao 30, phiên toàn thể Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ngoại giao kinh tế ngày càng sâu rộng
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới đang đi vào chiều sâu, mở rộng trên mọi lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị. Ảnh: Quỳnh Trang. |
“Việt Nam thành công trong quá trình chuyển từ tham gia tích cực sang chủ động đóng góp, xây dựng và định hình thể chế đa phương, phục vụ tốt hơn cho lợi ích đất nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Sơn cho rằng ngoại giao kinh tế đã thay đổi sâu sắc trong tư duy về phương thức triển khai. Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, Thứ trưởng khẳng định công tác ngoại giao kinh tế cần được nâng lên tầm cao mới, là công cụ để phát triển đất nước.
Thứ trưởng đề nghị ngành ngoại giao tranh thủ nguồn lực, tập trung các lĩnh vực ưu tiên đẩy mạnh phát triển thế và lực của đất nước. “Trong thời gian tới, ngoại giao cần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào khoa học công nghệ, công nghiệp thông minh. Việt Nam đã có ‘đại sứ’ xoài, thanh long, đã đến lúc cần có ‘đại sứ’ công nghệ", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Tận dụng dư địa trong kinh tế và quốc phòng
Trao đổi bên lề hội nghị, Ông Trần Ngọc An, Đại sứ Việt Nam tại Anh, cho rằng chiến tranh thương mại, xung đột giữa các nước ít nhiều ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu của Việt Nam.
“Song, việc Anh rời EU có thể là cơ hội để 2 nước tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, bởi Anh cần mở rộng thêm mối quan hệ ở châu Á - Thái Bình Dương”, ông thông tin thêm doanh nghiệp Anh ngày càng quan tâm tới Việt Nam, coi đây là thị trường hấp dẫn trong khu vực.
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Năm 2017, thương mại giữa Anh và Việt Nam đạt 6,1 tỷ USD, Việt Nam xuất khẩu 5,4 tỷ USD, nhập khẩu 700 triệu USD. Sáu tháng đầu năm 2018, thương mại kinh tế 2 chiều tăng 40%. Hiện Anh là nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam với khoảng 3,7 tỷ USD. “Tôi kỳ vọng thời gian tới sẽ có làn sóng mới đầu tư vào Việt Nam”, ông Trần Ngọc An chia sẻ.
Cũng theo Đại sứ, Anh hiện tích cực trao đổi với Việt Nam để hình thành các cơ chế phối hợp song phương, trong đó có lĩnh vực kinh tế, thương mại. “FTA song phương cũng là một trong những khả năng mà cả hai bên hướng tới, hy vọng thương mại tăng trưởng hơn và phù hợp lợi ích của Anh và Việt Nam”, ông An nêu rõ.
“Mối quan hệ giữa Anh và Việt Nam hiện nay là quan hệ hai chiều. Các doanh nghiệp Anh đang ngày càng quan tâm và coi Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất”, Đại sứ nhận định.
Trả lời Zing.vn, Đại sứ Trần Ngọc An cho biết trọng tâm phát triển quan hệ Việt - Anh trong tương lai bao trùm toàn diện các lĩnh vực từ chính trị tới giáo dục giao lưu nhân dân. Việc phối hợp trên diễn đàn quốc tế và lĩnh vực quốc phòng cũng sẽ được đẩy mạnh.
Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị. Ảnh: Quỳnh Trang. |
“Hợp tác quốc phòng là một điểm mới trong quan hệ đối tác toàn diện Anh - Việt và đang phát triển rất tốt”, ông An khẳng định Anh và Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ trong hoạt động gìn giữ hòa bình.
Việt Nam nằm trong số ít các nước có cơ chế tham vấn, đối thoại quốc phòng cấp thứ trưởng với Anh. Việc trao đổi đoàn diễn ra thường xuyên. Từ đầu năm, hàng chục đoàn các cấp của quân đội hai nước đã thăm viếng và giao lưu với nhau.
“Chúng tôi dự kiến đối thoại về chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng sẽ diễn ra cuối năm. Các trao đổi cấp cao cũng sẽ được tổ chức”, ông An cho biết thêm
Năm 2018 kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Anh. Theo Đại sứ, dự kiến cuối năm nay, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn chính phủ sang Anh tham vấn song phương và tiến hành các hoạt động kỷ niệm. Hoàng gia Anh cũng sẽ sang thăm Việt Nam.
“Quan hệ giữa Việt Nam và Anh đang ở mức phát triển cao nhất”, Đại sứ Trần Ngọc An nêu rõ quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Anh là quan hệ rất rộng và Việt Nam có nhiều dư địa để mở rộng và làm sâu sắc quan hệ.