Sáng 13/8, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề: "Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII".
Hội nghị có sự tham dự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng hơn 700 đại biểu, bao gồm các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Lường trước kịch bản về thay đổi trật tự thế giới
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác đối ngoại trong gần 3 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
“Sau hơn 30 năm đổi mới, chưa bao giờ đất nước ta có thế và lực như hiện nay trên tất cả các mảng từ kinh tế, chính trị đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, khoa học kỹ thuật”, Tổng bí thư nói.
Tổng bí thư cho rằng công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng đưa quan hệ đối tác đi vào chiều sâu, ổn định bền vững, hài hòa, tăng trưởng kinh tế vượt bậc.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Quỳnh Trang. |
"Công tác bảo hộ công dân, ngư dân tiếp tục được quan tâm. Ngoại giao văn hóa được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Công tác đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng", Tổng bí thư nêu rõ.
Tổng bí thư biểu dương, chúc mừng và cảm ơn đóng góp to lớn có ý nghĩa của đội ngũ làm công tác đối ngoại nói chung và ngành ngoại giao nói riêng.
Tuy nhiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định “tuyệt đối không được tự mãn, chủ quan”. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đối ngoại trong thời gian tới còn gặp nhiều thách thức. Tổng bí thư lấy dẫn chứng về chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, vai trò thể chế đa phương như WTO, APEC bị đe dọa.
Trong bối cảnh đó, Tổng bí thư đề nghị cần tiếp tục tư duy đổi mới trong công tác đối ngoại. “Mạnh dạn đột phá, dám nghĩ dám làm, để có hành động và suy nghĩ đạt tầm quốc tế. Xây dựng tâm thế mới của Việt Nam trong hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, song cần kiên định mục tiêu, chân thành khiêm tốn”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Tổng bí thư yêu cầu Bộ Ngoại giao tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, hoà bình phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ. Mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, các lợi ích quốc gia chính đáng.
“Đây là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị, song ngành ngoại giao là những người đi đầu”, Tổng bí thư nêu rõ.
Tổng bí thư phân tích trong thời gian tới, ngành Ngoại giao triển khai các công việc đề ra từ năm APEC 2017, chuẩn bị các điều kiện hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020… Đây là những công việc trọng tâm để xây dựng, định hình cơ chế đa phương.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng nguyên bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Về quan hệ với các nước lớn, láng giềng, Tổng bí thư yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Tổng bí thư phân tích rằng ngành ngoại giao cần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược. “Tập trung đánh giá kỹ xu hướng văn hoá chính trị trong khu vực và trên thế giới. Trong trung hạn và dài hạn, lường trước được kịch bản về thay đổi trật tự thế giới, chuẩn bị sẵn kế hoạch ứng phó, hoạch định chiến lược phù hợp”, Tổng bí thư nói thêm.
Để hoàn thành những nhiệm vụ chung, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng mục tiêu then chốt là công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và đào tạo bồi dưỡng cán bộ.
Theo Tổng bí thư, cán bộ ngành Ngoại giao nhìn chung có trình độ cao so với ngành khác, nên cần coi trọng đào tạo cán bộ, bản lĩnh chính trị vững vàng, tránh diễn biến tự chuyển hoá, tham nhũng tiêu cực.
“Một nhà ngoại giao giỏi trước hết phải là nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích quốc gia, chế độ làm kim chỉ nam cho mọi quyết định. Nhà ngoại giao cần ghi nhớ rằng đằng sau mình là Đảng, đất nước và nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo”, Tổng bí thư khẳng định.
Định vị đất nước đúng dòng chảy thời đại
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết ngành ngoại giao đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng yếu về đối ngoại mà Đại hội Đảng XII đề ra.
"Đó là tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ và giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển. Những thành tựu quan trọng đạt được trên tất cả các trụ cột, lĩnh vực của công tác đối ngoại trong hai năm qua đã góp phần tạo nên không khí phấn khởi, tự hào, tin tưởng và đồng thuận của nhân dân, các cấp, các ngành vào thế đi lên của đất nước và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại giao 30. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh ngành Ngoại giao cần tiếp tục phối hợp chặt với các các binh chủng khác phấn đấu định vị đất nước một cách vững chắc nhất trong cục diện mới, đặt vào đúng dòng chảy của thời đại như đồng chí Tổng bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, để tiếp tục góp phần đưa đất nước đi lên, thực hiện mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, khẳng định Việt Nam ngày càng có tiếng nói quan trọng trong an ninh, đấu tranh phòng chống tội phạm trong khu vực và trên thế giới
“Đe doạ an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục gia tăng, trong đó an ninh mạng đặt ra nhiều thuận lợi cũng như thách thức về lợi ích, an ninh quốc gia”, Thượng tướng Tô Lâm nói.
Cũng theo Thượng tướng, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục tìm cách phát triển lực lượng, hình thành công khai tổ chức đối lập trong nội địa, lợi dụng các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, đất đai, tài nguyên môi trường… để kích động gây mất an ninh trật tự, thực hiện cách mạng màu nhằm lật đổ XHCH.