Trước thềm Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) diễn ra từ 11-13/9, ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Đức, chia sẻ về những đóng góp và cơ hội của Việt Nam đối với hội nghị.
“Diễn đàn Kinh tế Thế giới là một diễn đàn nổi bật toàn cầu, là ‘chợ’ ý tưởng cực kỳ lớn. Đó là nơi các chính khách đương chức, cựu chính khách, hàng nghìn doanh nghiệp nổi bật nhất trên toàn cầu, cùng các nhà lãnh đạo đến dự để trao đổi về những xu hướng thế giới”, Đại sứ nhận định.
Đã có nhiều năm gắn bó với WEF, từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế tại Bộ Ngoại giao, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nêu rõ Diễn đàn Kinh tế Thế giới là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh đất nước và cho thế giới thấy tiềm năng của Việt Nam.
Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Đức, chia sẻ về Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN 2018. Ảnh: Infonet |
Hội nghị có chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4", gắn kết với chủ đề ASEAN 2018 là "ASEAN tự cường và sáng tạo".
Theo WEF, dự kiến hội nghị có sự tham dự của hơn 800 lãnh đạo các nước, doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia, học giả hàng đầu quốc tế và khu vực. Lãnh đạo 8 nước thành viên ASEAN góp mặt gồm Philippines, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Singapore, Lào và Việt Nam. Ngoài ra, thủ tướng Sri Lanka cùng các bộ trưởng Hàn Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác cũng sẽ tới dự.
Qua 55 phiên thảo luận, các đại biểu sẽ trao đổi về các vấn đề trong khu vực, từ chính trị, khởi nghiệp đến việc làm trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng sự quan tâm chung của các quốc gia trong khu vực.
Đánh giá vai trò của Việt Nam trong việc tham gia các hoạt động hợp tác với WEF, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng khẳng định Việt Nam vẫn luôn là thành viên tích cực, chủ động và sáng tạo của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác, kết nối. Diễn đàn sẽ giúp cộng đồng kinh tế ASEAN phát triển năng động và gắn liền với đó là một Việt Nam đầy ý chí, quyết tâm, với chính phủ kiến tạo.
“Những sáng kiến tham gia tổ chức toàn cầu rất có ý nghĩa, để bạn bè hiểu ta hơn và ta tranh thủ được nhiều nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển đất nước. Tôi kỳ vọng và tin rằng chúng ta sẽ làm tốt”, ông nhấn mạnh, hoan nghênh Việt Nam là nước đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác với WEF theo mô hình đối tác công-tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các tập đoàn lớn trên thế giới trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017 ở Thụy Sĩ. Ảnh: Chinhphu.vn. |
WEF ASEAN là hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong năm 2018, đồng thời là một trong những hội nghị lớn và quan trọng nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
“Khu vực ASEAN đang là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới. Sự hiện diện của các lãnh đạo thể hiện cam kết duy trì phát triển trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 mở rộng quy mô ảnh hưởng, và môi trường địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng”, Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á của WEF, khẳng định.
Về Cách mạng Công nghiệp 4.0, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho biết chính phủ đã có những chương trình lớn để triển khai, nắm bắt xu hướng phù hợp với Việt Nam.
“Thế giới phát triển một đường, chúng ta đi một nẻo là không được”, ông nhận định.
Ông Hưng cũng cho rằng việc Việt Nam đăng cai tổ chức diễn đàn sẽ khiến cộng đồng doanh nghiệp và xã hội chú ý hơn đến Cách mạng 4.0. Theo ông, cuộc cách mạng tầm cỡ này có thể gây ra thay đổi lớn với sự phát triển kinh tế toàn cầu, và nếu Việt Nam bám sát thì sẽ rất thành công.
Việt Nam và WEF bắt đầu hợp tác từ năm 1989. Việt Nam đã 3 lần tham dự diễn đàn ở cấp thủ tướng và thường tham gia ở cấp phó Thủ tướng. Công tác chuẩn bị cho Hội nghị WEF ASEAN tháng 9 tới tại Hà Nội đang được gấp rút triển khai.