Suốt một năm qua, Israel đã truy lùng gắt gao thủ lĩnh Hamas, Yahya Sinwar. Chiến dịch này gồm nhiều cơ quan, công nghệ tiên tiến và lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của Israel, cũng như sự hỗ trợ từ Mỹ. Song cuối cùng, ông Sinwar bị giết bởi những người lính tình cờ gặp ông và không biết họ đã giết ai.
Theo các báo cáo ban đầu, binh lính Israel không có mặt tại đó để thực hiện chiến dịch ám sát. Không có thông tin tình báo nào trước đó tiết lộ họ đang ở gần thủ lĩnh “bóng ma” của Hamas, người chủ mưu cuộc tấn công ngày 7/10/2023 và là thành viên Hamas mà Israel muốn ám sát nhất.
Chỉ sau khi nhìn kỹ khuôn mặt và tìm thấy giấy tờ tùy thân trên người ông, quân đội Israel mới nhận ra họ vừa tiêu diệt ông Sinwar.
Lực lượng tinh nhuệ, công nghệ đáng gờm nhưng không ăn thua
Theo Guardian, lần gần nhất ông Sinwar được nhìn thấy chỉ vài ngày sau khi xung đột Dải Gaza nổ ra, trong đường hầm ở Dải Gaza và có một nhóm con tin bị giam giữ.
Nói bằng tiếng Do Thái lưu loát, ông Sinwar trấn an con tin an toàn và sẽ sớm được trao đổi với các tù nhân Palestine. Yocheved Lifshitz - 85 tuổi, một trong những con tin - đã thách thức trực tiếp vị thủ lĩnh.
“Tôi hỏi ông ấy tại sao không thấy xấu hổ khi làm điều này với những người ủng hộ hòa bình trong suốt những năm qua?”, bà Lifshitz nói khi được thả sau 16 ngày bị bắt làm con tin. “Ông ấy không trả lời. Ông ấy im lặng”.
Một đoạn video ghi lại bằng camera an ninh của Hamas khoảng tháng 10/2023 cho thấy ông Sinwar đi theo vợ và ba con qua một đường hầm hẹp và biến mất trong bóng tối.
Israel sau đó tìm mọi cách, không để tâm tới việc gây thương vong cho dân thường để giết chết thủ lĩnh Hamas và phá hủy vòng tròn thân cận xung quanh ông. Đơn vị chịu trách nhiệm tìm ông Sinwar là lực lượng đặc nhiệm gồm các sĩ quan tình báo, đơn vị hoạt động đặc biệt của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), kỹ sư quân sự và chuyên gia giám sát dưới sự bảo trợ của Cơ quan An ninh Israel (Shin Bet).
Dường như lực lượng này đang tìm cách chuộc lại những thất bại an ninh dẫn tới cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10/2023. Tuy nhiên, sau một năm, họ vẫn thất vọng.
Một số người trong giới quốc phòng Israel tin rằng ông Sinwar sẽ lấy các con tin làm “lá chắn sống”. Trong khi đó, những cá nhân khác lại khẳng định điều này chỉ làm chậm chân ông Sinwar và biến cả nhóm thành mục tiêu lớn.
Dẫu vậy, nguy cơ giết chết con tin cũng không thể ngăn Israel thả bom vào các mục tiêu bị nghi ngờ có lãnh đạo Hamas lẩn trốn. Suy cho cùng, khi ông Sinwar bị giết, không có con tin nào xung quanh và dường như ông chỉ đi cùng 2 người đàn ông khác.
Những người truy đuổi ông Sinwar là các chuyên gia hàng đầu. Giết người có chủ đích là chiến thuật cốt lõi của quân đội Israel kể từ khi thành lập nhà nước. Kể từ Thế chiến II, Israel đã ám sát nhiều người hơn mọi quốc gia phương Tây, theo Guardian.
Yahalom - đơn vị đặc biệt trong Quân đoàn Kỹ thuật Chiến đấu - có nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh đường hầm hơn mọi đơn vị trong quân đội phương Tây và có quyền truy cập vào radar xuyên đất hiện đại do Mỹ sản xuất. Đơn vị tình báo tín hiệu bí mật 8200 là đơn vị hàng đầu trên thế giới về chiến tranh điện tử và đã nghe lén Hamas suốt nhiều thập niên.
Shin Bet mất nhiều nguồn tin ở Gaza sau khi Israel rút khỏi khu vực vào năm 2005, nhưng đã nỗ lực xây dựng lại mạng lưới cung cấp thông tin sau xung đột năm 2023.
Bất chấp năng lực của lực lượng đặc nhiệm đáng gờm này, họ chỉ suýt bắt được ông Sinwar đúng một lần tại boongke bên dưới quê hương Khan Younis trước sự kiện hôm 17/10. Vị thủ lĩnh đã bỏ trốn, để lại tài liệu, quần áo và một triệu shekel (khoảng 270.000 USD). Một số chuyên gia cho rằng khi đó ông Sinwar đã rời đi trong hoảng loạn, nhưng rõ ràng vị thủ lĩnh Hamas đi trước lực lượng Israel tới vài ngày.
"Có chết cũng phải chết ở Gaza"
Ông Sinwar được cho là không sử dụng các phương tiện liên lạc điện tử. Không chỉ học tiếng Do Thái trong nhà tù Israel, ông còn thông thuộc cả thói quen và văn hóa của đối phương.
Trong suốt một năm lẩn trốn, ông Sinwar vẫn giao tiếp với thế giới bên ngoài, mặc dù khá khó khăn. Các cuộc đàm phán kéo dài về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza thường xuyên bị gián đoạn vì cần nhận thông điệp từ vị chỉ huy ngầm. Một giả thuyết phổ biến là ông Sinwar duy trì quyền chỉ huy từ giao liên thông qua một nhóm nhỏ phụ tá.
Nhóm săn lùng ông Sinwar hy vọng nhu cầu liên lạc với các giao liên cuối cùng sẽ dẫn tới “hang ổ” của vị thủ lĩnh, như cách người Mỹ tìm được nơi ẩn náu của Osama bin Laden ở Abbottabad, Pakistan.
Có thông tin cho rằng một người đưa tin đã làm lộ ra vị trí của các thủ lĩnh Hamas trước đó.
10h30 sáng 13/10, Mohammed Deif - chỉ huy quân sự kỳ cựu của Hamas, người đứng đầu danh sách truy nã gắt gao nhất của Israel kể từ năm 1995 - xuất hiện tại khu vực gần trại tị nạn al-Mawasi cùng với một phụ tá thân cận, Rafa'a Salameh.
Theo báo cáo từ IDF, cả hai người thiệt mạng bởi những quả bom do máy bay phản lực Israel thả xuống. Hamas khẳng định ông Deif vẫn còn sống, nhưng không ai nhìn thấy ông kể từ đó.
Trước đó, nhiều người trong Cơ quan An ninh Israel hối tiếc về “cơ hội lịch sử” vào tháng 9/2003, khi chuẩn bị ném bom một ngôi nhà có toàn bộ ban lãnh đạo Hamas đang họp. Sau tranh cãi dữ dội, lực lượng không quân quyết định dùng tên lửa bắn chính xác vào phòng họp, thay vì san phẳng cả tòa nhà. Song họ đã chọn nhầm phòng và giới lãnh đạo Hamas đã sống sót.
Đến tháng 7, Israel không còn nghĩ tới thương vong của dân thường nữa. Khi nhắm vào ông Deif, lực lượng không quân sử dụng bom hạng nặng 2.000 pound, loại vũ khí Mỹ không còn gửi hỗ trợ từ tháng 5. Israel được cho là đã thả 8 quả bom loại này vào ngày 13/7, khiến 90 người Palestine ở khu vực lân cận thiệt mạng và gần 300 người bị thương.
Yossi Melman - tác giả các cuốn sách về tình báo Israel - cho biết ông Deif có thể đã phạm một sai lầm mà ông Sinwar tránh được.
“Deif dường như kiêu ngạo hơn, hoặc ông ấy tự nhủ: ‘Họ đã cố giết mình nhiều lần. Mình mất một mắt và một cánh tay nhưng vẫn sống, nên có lẽ Thượng đế đã ở bên mình’”, ông Melman nói. “Shin Bet và quân đội chỉ chờ đợi cơ hội này. Tất cả vụ ám sát đều là chờ đợi một sai lầm nhỏ của đối phương”.
Năm qua xuất hiện một số đề xuất về thỏa thuận cho phép ông Sinwar sống lưu vong. Có người cho rằng ông có thể đã vượt biên, ẩn náu trong một đường hầm ở phía Ai Cập của thị trấn Rafah. Những ý tưởng này đã đánh giá thấp tinh thần của một người vươn lên trong hàng ngũ Hamas với tư cách là người hành quyết gián điệp.
Michael Milshtein - cựu Giám đốc bộ phận vấn đề Palestine tại Cơ quan Tình báo Quân đội Israel (Aman) - đã đề cập tới điều này từ nhiều tháng trước: “Về bản chất, ông ấy muốn ở lại Gaza và chiến đấu cho tới chết. Dù có chết, ông ấy cũng muốn chết trong hầm trú ẩn”.
Trong trường hợp này, ông Sinwar đã toại nguyện. Cái chết của vị thủ lĩnh Hamas vốn dĩ đã được định đoạt sẵn. Guardian cho rằng nếu ông không bao giờ rời đi hoặc đầu hàng, trong khi tình báo Israel thất bại, nước này sẵn sàng san phẳng Gaza cho đến khi đạt được mục tiêu.
Liệu việc ông Sinwar qua đời có chấm dứt xung đột hiện tại không lại là một câu hỏi khác.
Ram Ben-Barak - cựu Phó giám đốc Mossad - dự đoán sau khi ông Sinwar sụp đổ, "sẽ có người khác đến": "Đây là cuộc chiến tư tưởng, không phải là cuộc chiến về Sinwar".
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...