Israel tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar. Ảnh: CNN. |
Sinwar là chủ mưu vụ tấn công mà Hamas tiến hành ngày 7/10/2023 khiến hơn 1.200 người Israel thiệt mạng, đồng thời bắt cóc khoảng 250 con tin. Vụ tấn công này là nguyên nhân trực tiếp khiến Israel phát động cuộc chiến tại Gaza.
Bất chấp các cuộc tấn công của Israel đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng ở Gaza, khiến hàng triệu người Palestine phải di tản, Hamas dưới sự chỉ đạo của Sinwar vẫn từ chối thả những con tin còn lại mà phong trào này đang bắt giữ.
Việc Sinwar còn sống khiến Israel không thể tuyên bố đánh bại Hamas, và vì thế chưa thể kết thúc cuộc chiến. Lúc này, khi Sinwar đã bị tiêu diệt, con đường hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài có vẻ đã hé lộ. Các nhà phân tích tin rằng Hamas và Israel giờ đã có cơ sở để nhượng bộ.
Dù vậy, vẫn còn những rào cản lớn, đồng thời bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào ở Gaza cũng sẽ chỉ có tác động giới hạn tới tổng thể những bất ổn tại Trung Đông, bao gồm các cuộc xung đột giữa Israel với Hezbollah và Iran, theo New York Times.
Dấu mốc lớn của ông Netanyahu
Đàm phán lệnh ngừng bắn đi kèm thỏa thuận thả con tin đến nay bế tắc một phần bởi thái độ cứng rắn của Sinwar, yêu cầu Hamas được phép tiếp tục nắm quyền ở Gaza thời hậu chiến.
Lập trường này trái ngược hoàn toàn với mục tiêu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Nhà lãnh đạo Israel từ đầu chỉ muốn những lệnh ngừng bắn tạm thời, thứ sẽ cho phép quân đội Do Thái tái khởi động các cuộc tấn công nhằm tiêu diệt tận gốc Hamas.
Cái chết của Sinwar có thể là cú sốc cho những chỉ huy còn lại của Hamas, buộc nhóm này phải đồng ý với những điều khoản thỏa hiệp mà thủ lĩnh của họ trước đây từ chối.
Người dân Israel biểu tình đòi chính phủ đạt thỏa thuận giải cứu con tin. Ảnh: New York Post. |
Còn với Thủ tướng Netanyahu, ông có cơ sở để tuyên bố Hamas đã bị đánh bại và chiến dịch quân sự tại Gaza có thể kết thúc.
Theo ông Itamar Rabinovich, cựu đại sứ Israel tại Mỹ, với vị thế chính trị được củng cố sau khi tiêu diệt thành công thủ lĩnh Hamas, Thủ tướng Netanyahu có thể cởi mở hơn với khả năng chấm dứt chiến tranh. Nhưng chưa thể khẳng định ông Netanyahu có thật sự làm vậy hay không.
Dù vậy, bất cứ thay đổi nào cũng khó xảy ra ngay lập tức. Hamas là một tổ chức quy củ đã trải qua nhiều lần thay tướng, mục tiêu cốt lõi của tổ chức này không thay đổi bất kể ai nắm quyền.
Trong khi đó, các đồng minh thuộc phe cực hữu trong chính quyền của Thủ tướng Netanyahu vẫn muốn tiếp tục chiến tranh, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới mọi tính toán hướng tới một thỏa thuận hòa bình.
Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben-Gvir đe dọa sẽ rời liên minh cầm quyền nếu ông Netanyahu chấm dứt chiến sự quá sớm.
"Giờ là lúc gia tăng sức ép quân sự và đàn áp tổ chức khủng bố tới khi chúng bị đánh bại hoàn toàn", ông Ben-Gvir tuyên bố.
Thủ tướng Netanyahu tới nay vẫn mập mờ về tính toán của mình. Sau cuộc điện đàm giữa ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 17/10, văn phòng thủ tướng Israel ra thông cáo cho biết tình hình hiện nay là "cơ hội để thúc đẩy một thỏa thuận giải cứu con tin".
Dù vậy, trong một tuyên bố đưa ra trước đó, Thủ tướng Netanyahu dường như đứng về phía phe cực hữu khi cảnh báo về những thách thức an ninh hiện hữu và cam kết tiếp tục săn đuổi những thủ lĩnh còn lại của Hamas.
"Ngày hôm nay quỷ dữ đã chịu tổn thất lớn, nhưng nhiệm vụ trước mắt chúng ta vẫn chưa hoàn thành", ông Netanyahu nói.
Hamas suy yếu nhưng chưa bị đánh bại
Các chuyên gia cũng nhận định chưa thể đoán trước chiến lược tiếp theo của Hamas sau cái chết của thủ lĩnh Sinwar.
Fuad Khuffash, nhà phân tích người Palestine có quan hệ gần gũi với Hamas, cho rằng Hamas sẽ không thay đổi quan điểm đàm phán thỏa thuận hòa bình dù Sinwar đã không còn nắm quyền.
"Hamas là một nhóm xây dựng dựa trên các cá nhân. Khi mất đi một người với uy tín như Sinwar, không phải lúc nào cũng có thể mau chóng tìm được ai đó tương tự. Nhưng Hamas sẽ tiếp tục hoạt động với những nguyên tắc cũ. Bất kể ai thay thế Sinwar ở vị trí thủ lĩnh cũng sẽ tiếp tục tư tưởng của ông ta", ông Khuffash nhận định.
Hamas suy yếu nhưng sẽ tiếp tục kháng cự. Ảnh: New York Times. |
Ibrahim Dalalsha, giám đốc tổ chức nghiên cứu chính trị Horizon Center trụ sở tại Bờ Tây, cho rằng các lãnh đạo còn lại của Hamas ít có khả năng rút lại các yêu sách trong đàm phán hay chấp nhận Israel chiếm đóng một phần Gaza.
Tuy vậy, thủ lĩnh mới của Hamas có thể sẽ nhượng bộ và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ kỹ trị, điều này cho phép Hamas tiếp tục tồn tại ở Gaza. Hamas cũng có thể linh hoạt hơn trong đàm phán trao trả con tin.
Thậm chí, không loại trừ khả năng Hamas tạm thời chấp nhận sự hiện diện của quân đội Israel tại Gaza nếu Tel Aviv cam kết sẽ rút quân trong tương lai, ông Dalalsha nhận định.
"Dàn lãnh đạo Hamas sẽ suy yếu và thực tế hơn, họ có thể chấp nhận một số nhượng bộ về chiến thuật, nhưng những vấn đề cốt lõi thì không. Để tồn tại, họ có thể thỏa hiệp những vấn đề mà kẻ từng phát động cuộc chiến này từ chối", ông Dalalsha nói.
Dù vậy, bất kể Hamas và Israel phản ứng như thế nào, kết cục chiến sự tại Gaza sẽ không giúp giải quyết hai cuộc chiến khác ở khu vực giữa Israel với Hezbollah và Iran.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...