Hezbollah hôm 23/10 đã xác nhận cái chết của ông Hashem Safieddine. |
Phía quân đội Israel hôm 22/10 tuyên bố ông Safieddine thiệt mạng trong một cuộc không kích vào đầu tháng này, cùng với Ali Hussein Hazima, người đứng đầu đơn vị tình báo của Hezbollah.
Trong công bố hôm 23/10 xác nhận cái chết của Safieddine, Hezbollah nói rằng ông đã dành phần lớn cuộc đời của mình để phục vụ phong trào và ông "quản lý một cách có năng lực" hội đồng điều hành - cơ quan ra quyết định chính trị cao nhất của Hezbollah. Hezbollah cũng cam kết sẽ tiếp tục “con đường kháng cự và thánh chiến”.
Dành nhiều năm chuẩn bị cho vị trí lãnh đạo cao nhất của Hezbollah
Cái chết của Safieddine xảy ra khi ông được kỳ vọng rộng rãi sẽ được bầu làm thủ lĩnh tiếp theo của Hezbollah sau khi thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah, một trong những người sáng lập phong trào, bị ám sát vào ngày 27/ 9.
Ông Safieddine (khoảng 60 tuổi) là em họ bên ngoại của ông Nasrallah, đã dành nhiều năm chuẩn bị cho vị trí lãnh đạo cao nhất của Hezbollah. Tuy nhiên, việc cả hai đều đã được xác nhận thiệt mạng trong các cuộc không kích cách nhau khoảng một tuần của Israel vào vùng ngoại ô Beirut, là một phần trong loạt đòn giáng mạnh khiến Hezbollah rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Quen thuộc với hình ảnh một giáo sĩ đội khăn xếp đen với bộ râu xám dày trông rất giống người anh họ Nasrallah, ông Safieddine được biết đến với những bài phát biểu thách thức trong đó ông tuyên bố Hezbollah sẽ tiếp tục chiến đấu với Israel bất kể phải trả giá như thế nào.
Ông Hashem Safieddine có ngoại hình và lối ăn mặc tương đồng với cố lãnh đạo Hassan Nasrallah của Hezbollah. Ảnh: AA Photo. |
Là một gương mặt quen thuộc ở Lebanon và là một nhà lãnh đạo có quan hệ chặt chẽ với Iran, ông là thành viên của Hội đồng Shura ra quyết định của nhóm và Hội đồng Jihad, hoạt động như bộ chỉ huy quân sự của Hezbollah. Safieddine cũng là người đứng đầu Hội đồng điều hành, điều hành các trường học và chương trình xã hội.
Cái chết của Safieddine đến vào thời điểm nhạy cảm đối với Hezbollah. Sau cuộc tấn công của đồng minh Hamas vào ngày 7/10/2023 vào Israel và cuộc tấn công tiếp theo của Israel vào Gaza, Hezbollah bắt đầu bắn rocket, máy bay không người lái và tên lửa vào Israel - và giao tranh xảy ra thường xuyên kể từ đó.
Nhưng những tuần gần đây đã chứng kiến sự leo thang đáng kể, khi Israel thực hiện một loạt các cuộc tấn công vào các chỉ huy cấp cao của Hezbollah và dường như đã phá hủy hàng nghìn thiết bị liên lạc do các thành viên của phong trào này sử dụng. Sau đó, Israel đã phát động một cuộc tấn công trên bộ ở Lebanon với mục đích tuyên bố là đẩy lùi các chiến binh Hezbollah khỏi biên giới.
Mặc dù chưa có thông báo chính thức nào sau cái chết của Nasrallah nhưng ông Safieddine được cho là đã nắm quyền kiểm soát và điều hành hoạt động của Hezbollah, mặc dù gương mặt đại diện công khai của nhóm là Naim Qassem, phó thủ lĩnh của Hezbollah. Ông Qassem hiện vẫn chưa được chọn làm lãnh đạo thường trực.
Hezbollah khẳng định không lùi bước
Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ là người nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Hezbollah, đặc biệt là khi một ứng cử viên hàng đầu khác, Nabil Kaouk, cũng đã bị giết trong một cuộc không kích của Israel vài giờ sau cái chết của Nasrallah.
Mặc dù hầu hết chỉ huy quân sự cấp cao và các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu đã bị Israel âm sát trong ba tháng qua, Hezbollah tuyên bố tổ chức này vẫn có khả năng chống lại Israel.
Giống như Nasrallah, Safieddine mang danh hiệu sayyid, một danh hiệu tôn kính có nghĩa là dòng dõi của giáo sĩ Shiite có từ thời Nhà Tiên tri Muhammad, người sáng lập ra đạo Hồi. Kể từ khi thành lập trong cuộc tấn công Lebanon năm 1982 của Israel, Hezbollah thuộc Hồi giáo Shiite đã do một giáo sĩ lãnh đạo.
Trong một đám tang ở ngoại ô Beirut vào tháng trước cho các thành viên Hezbollah đã thiệt mạng trong vụ tấn công bằng máy nhắn tin phát nổ, ông Safieddine đã cam kết rằng Hezbollah sẽ không khuất phục và sẽ chiến đấu trở lại.
"Hành động xâm phạm này chắc chắn sẽ phải đối mặt với hình phạt đặc biệt. Hình phạt này chắc chắn sẽ đến", ông Safieddine nói. Trong buổi lễ, một số máy bộ đàm đã phát nổ khiến những người gần đó bị thương. Ông Safieddine vẫn lưu lại dự tang lễ cho đến cuối buổi, bất chấp loạt vụ nổ mới.
Theo New York Times, ông Safieddine có mối liên hệ tôn giáo và gia đình mật thiết với Iran.
Một điểm tương đồng nữa giữa ông Safieddine và ông Nasrallah nằm ở việc cả hai đều theo học tại Iran. Ông đã phát triển vòng tròn quan hệ mạnh mẽ khi theo học và nghiên cứu về tôn giáo tại thành phố Qom của Iran trước khi trở về Lebanon để phục vụ Hezbollah.
Trong số những mối quan hệ mật thiết mà ông Safieddine xây dựng được trong thời gian theo học tại Iran có người bạn thân là Thiếu tướng Qassim Suleimani, người từng là chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trước khi bị tiêu diệt trong một cuộc không kích ở Baghdad vào năm 2020.
Cũng trong năm 2020, Reza Hashem Safieddine, con trai ông Safieddine, đã kết hôn với Zeinab Suleimani, con gái của Tướng Iran Qassem Suleimani.
Tướng Iran Qassem Suleimani và con gái Zeinab Suleimani. Ảnh: IranINTL. |
Giới phân tích cho rằng cuộc hôn nhân này hướng đến việc thắt chặt mối liên kết giữa Iran và Hezbollah. Bộ Tài chính Mỹ thậm chí miêu tả rằng ông Safieddine là cầu nối giữa giới lãnh đạo Hezbollah với Iran.
Anh trai của Safieddine, Abdallah, là người đại diện của Hezbollah tại Tehran, một vai trò quan trọng trong tổ chức này vì Iran là nước hậu thuẫn chính, cung cấp vũ khí và tiền bạc cho tổ chức này.
Vào tháng 5/2017, Mỹ và Saudi Arabia cáo buộc ông Safieddine là phần tử khủng bố vì vai trò lãnh đạo của ông ở Hezbollah.
Thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Mỹ gọi ông Safieddine là “một nhà lãnh đạo cấp cao” thuộc Hội đồng điều hành cấp cao của Hezbollah. Ông Safieddine được cho là giữ vai trò “quản lý các hoạt động chính trị, xã hội, giáo dục và vận hành của tổ chức này”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng ông Safieddine là “một mối nguy khủng bố nghiêm trọng có thể đe dọa đến chính sách đối ngoại và nền an ninh quốc gia Mỹ”.
Trước đó, vào năm 1997, Mỹ đã quy Hezbollah vào hàng ngũ các tổ chức khủng bố và cáo buộc lực lượng này đứng sau nhiều đợt tấn công khiến hàng trăm người Mỹ thiệt mạng.
Một số hoạt động bị Mỹ quy trách nhiệm cho Hezbollah bao gồm loạt đánh bom liều chết trên xe tải nhằm vào Đại sứ quán Mỹ và Doanh trại Hải quân Mỹ tại Beirut vào năm 1983, vụ chiếm đóng Đại sứ quán Mỹ ở Beirut vào năm 1984 và vụ cướp máy bay TWA vào năm 1985.
Vấn đề Trung Đông
Tri Thức - Znews giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...