Trong khi Osama bin Laden được nhiều người coi là chủ mưu trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2011 ở Mỹ, nhiều chuyên gia chống khủng bố cho rằng al-Zawahri phải chịu phần trách nhiệm lớn hơn, theo New York Times.
Al-Zawahri được nhiều người coi là "cột sống trí tuệ" của Al Qaeda và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Nhân vật này đã giúp đưa bin Laden từ nhà thuyết giáo thành trùm khủng bố khét tiếng toàn cầu.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5/2011 với Dự án Điều tra về Chủ nghĩa Khủng bố, Tawfik Hamid, một cựu chiến binh Hồi giáo, nói rằng trong số hai người đàn ông, al-Zawahri là thủ lĩnh có ảnh hưởng hơn.
“Khi lắng nghe al-Zawahri, bạn có thể biết rõ ràng rằng ông ta có tham vọng và sẽ dốc sức 100% để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Hamid nói.
Đồng chủ mưu vụ khủng bố 11/9/2001
Trong thời gian al-Zawahri dẫn dắt Al Qaeda, ảnh hưởng toàn cầu của tổ chức này đã suy yếu khi Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy. Tuy nhiên, Al Qaeda vẫn là mối đe dọa và al-Zawahri vẫn là một trong những tội phạm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới.
Từ những năm thiếu niên ở ngoại ô Cairo, al-Zawahri đã di chuyển nhiều nơi, từng ngồi tù ở Ai Cập và Nga, cũng như bị kẻ thù săn đuổi. Nhưng ông ta dường như luôn đi trước một bước, ẩn náu trong những vùng đất hiểm trở ở Afghanistan và khu vực sinh sống của các bộ lạc Pakistan.
Al-Zawahri từng ký một bản fatwa, hay tuyên bố, trong đó cho biết việc "giết hại và chống lại người Mỹ và các đồng minh của họ, dù là dân thường hay quân đội, là nghĩa vụ đối với mọi người Hồi giáo".
Ayman al-Zawahri (phải) ngồi cùng Osama bin Laden trong một buổi phỏng vấn vào tháng 11/2001. Ảnh: Reuters. |
Sức mạnh chiến thuật của Al Qaeda nằm ở khả năng thực hiện các cuộc tấn công lớn, bắt đầu từ những vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ tại Tanzania và Kenya vào năm 1998, cũng như vụ đánh bom liều chết nhằm vào tàu khu trục Cole của Mỹ ở Yemen năm 2000. Đỉnh điểm trong số đó là các cuộc tấn công khủng bố vào New York và Washington năm 2001.
Trong thập kỷ tiếp theo, giới chức chống khủng bố Mỹ mở cuộc truy lùng Osama bin Laden và al-Zawahri. Họ phát động không kích tiêu diệt bộ máy lãnh đạo của Al Qaeda nhằm làm suy yếu tổ chức và trả thù cho cuộc tấn công ngày 11/9/2001. Al-Zawahri có lúc được cho là đã chết nhưng sau đó lại tái xuất trong một video tuyên truyền.
Với bộ râu rậm, cặp kính gọng dày và một vết bầm tím nổi rõ trên trán, ông ta được biết đến là một người nóng tính.
Ngay cả một số nhân vật chủ chốt trong ban lãnh đạo của Al Qaeda cũng gọi ông là kiểm soát quá mức, sống kín kẽ và gây chia rẽ. Điều này trái ngược với bin Laden, người có giọng nói nhẹ nhàng và được nhiều chiến binh tôn sùng, theo Al Jazeera.
Tháng 5/2011, đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ tiêu diệt bin Laden trong cuộc đột kích ở Abbottabad, Pakistan. Trong hơn một tháng, Al Qaeda im lặng về nhà lãnh đạo trong tương lai.
Sau đó, al-Zawahri đưa ra đoạn video dài 28 phút nói về chính mình. Với khẩu súng trường ở phía sau, ông ta thề bin Laden sẽ tiếp tục khiến nước Mỹ phải thấy “kinh hoàng”.
“Nợ máu trả bằng máu”, al-Zawahri nói.
Ayman al-Zawahri vào năm 1998. Ảnh: AP. |
Sau cái chết của bin Laden, al-Zawahri trở thành thủ lĩnh của al-Qaeda. Thiếu đi những người trung thành với bin Laden, al-Zawahri cố chỉ huy các nhóm khủng bố nhưng chỉ thị và lời khuyên của ông thường bị phớt lờ. Tầm ảnh hưởng của ông ta cũng bị lu mờ trước sự trỗi dậy của IS.
Dù vậy, khi mà phần lớn lớp lãnh đạo ban đầu của nhóm đều đã bị bắt hoặc tiêu diệt, al-Zawahri có lẽ là lời nhắc nhở rõ ràng nhất về di sản nghiệt ngã của Al Qaeda.
Charles G. Wolf, người có vợ thiệt mạng tại Trung tâm Thương mại Thế giới trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001, cho biết: “Thật tuyệt khi được nghe tin này”. Ông cũng nói điều đó gửi một tín hiệu rằng “chúng tôi vẫn đang truy đuổi những kẻ khủng bố”.
Từ bác sĩ đến khủng bố
Ayman Muhammad Rabie al-Zawahri sinh ngày 19/6/1951 tại Maadi, ngoại ô Cairo (Ai Cập), có cha là một giáo sư dược học.
Ông ngoại của al-Zawahri là chủ tịch Đại học Cairo, người sáng lập và giám đốc Đại học King Saud ở Riyadh, đồng thời là đại sứ tại Saudi Arabia và nhiều quốc gia khác.
Al-Zawahri tốt nghiệp năm 1974. Ảnh: AFP. |
Al-Zawahri là sinh viên xuất sắc và không mơ mộng hão huyền. Năm 1966, al-Zawahri đã giúp thành lập nhóm chiến binh ngầm hoạt động với mục đích thay thế chính phủ Ai Cập bằng tổ chức Hồi giáo. Lúc đó, al-Zawahri mới 15 tuổi.
Từ 5 thành viên ban đầu, tổ chức này tăng lên 40 thành viên vào năm 1974. Al-Zawahri giấu vai trò của mình trong tổ chức với ngay cả gia đình khi ông theo học khoa y Đại học Cairo. Al-Zawahri tốt nghiệp năm 1974, phục vụ ba năm trong quân ngũ và lấy bằng thạc sĩ phẫu thuật năm 1978.
Những người từng học với al-Zawahiri tại khoa Y của Đại học Cairo mô tả đây đây là một thanh niên sôi nổi, thường đến rạp chiếu phim, nghe nhạc và nói đùa với bạn bè.
Al-Zawahri từng bị bắt giữ vì tội âm mưu giết người. Sau khi được phóng thích vào năm 1984, ông ta rời Ai Cập. Bệnh viện mà al-Zawahri từng làm việc ở Peshawar (Pakistan) cũng là nơi bin Laden thỉnh thoảng lui tới thuyết giảng. Sau đó, al-Zawahri trở thành bác sĩ riêng của bin Laden.
“Khi Ayman gặp bin Laden, ông ta đã tạo ra một cuộc cách mạng trong con người mình”, Montasser al-Zayyat, một luật sư Hồi giáo, từng viết.
Giao kèo giữa hai bên rất đơn giản: Al-Zawahri sẽ mang đến sự nhạy bén chính trị và sự lãnh đạo bằng tri thức để biến liên minh lỏng lẻo của bin Laden, cùng những thôi thúc chưa thành hình của chính al-Zawahri, thành công cụ giết người hàng loạt. Trong khi đó, bin Laden cung cấp tiền bạc và uy tín.
“Bin Laden luôn ngưỡng mộ ông ta", Bruce Hoffman, một giáo sư và chuyên gia nghiên cứu về an ninh tại Đại học Georgetown, nói với hãng thông tấn AP.
Tổng thống Joe Biden hôm 1/8 cho biết ông hy vọng việc tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri giúp "khép lại" đau thương cho gia đình nạn nhân vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Tuy nhiên, một cựu thành viên của Al Qaeda, người sau đó đã gia nhập IS, không đánh giá cao ý nghĩa cái chết của al-Zawahri vì ông ta hầu như im hơi lặng tiếng trong những năm gần đây, theo Washington Post.
“Tôi chắc chắn Tổng thống Joe Biden sẽ cố làm cho ra vẻ như đó là điều gì đó lớn lao, nhưng thực ra nó chẳng có ý nghĩa gì đối với chúng tôi cả”, người này nói.
“Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng sẽ là: Ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới vào lúc này”, anh nói thêm.