Cụ thể, theo thống kê từ Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT), trong 6 tháng đầu năm nay, cơ quan này ghi nhận một số kết quả tích cực và đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông trong phòng, chống dịch Covid-19, cũng như khắc phục tồn tại lâu năm là rác viễn thông.
Theo đó, 6 tháng đầu năm ngành đã xử lý, thu hồi gần 10 triệu SIM kích hoạt sẵn (SIM rác), chặn gần 200 triệu tin nhắn rác, tăng 200% so với cùng kỳ và chặn 60 triệu cuộc gọi có dấu hiệu giả mạo.
Thứ trưởng TT&TT Phan Tâm cho biết, việc thanh tra giám sát rác viễn thông sẽ được thực hiện hàng tuần. Đồng thời Bộ cũng áp dụng việc cá nhân hóa trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý rác viễn thông.
Sau chiến dịch, Bộ TT&TT đặt mục tiêu tiến tới xây dựng và triển khai kết nối với dữ liệu căn cước công dân của Công an để sử dụng vân tay trong đăng ký thuê bao.
Bộ TT&TT đặt mục tiêu quét sạch SIM rác ngay trong năm 2021. Ảnh: Ngô Minh. |
Để tạo không gian phát triển mới trong lĩnh vực viễn thông, Bộ TT&TT đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tham mưu cho Chính phủ đồng ý cho thử nghiệm Mobile Money. Hiện Bộ TT&TT đã thẩm định xong hồ sơ của các doanh nghiệp. Dịch vụ này chỉ thực sự khả thi khi SIM rác đã hoàn toàn bị xóa sổ.
Năm nhà mạng bao gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và I-Telecom đã triển khai các giải pháp truyền thông và kỹ thuật để phối hợp cùng cơ quan chức năng ngăn chặn cuộc gọi giả mạo số điện thoại, cuộc gọi rác quấy rối người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Cục Viễn thông tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quản lý, xử lý vi phạm về SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Ngoài ra, Cục Viễn thông cũng phối hợp với các nhà mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi giả mạo số điện thoại, ngăn chặn tình trạng mua bán SIM kích hoạt sẵn.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Nghị định 49, hành vi sử dụng giấy tờ của người khác (kể cả được cho mượn) hay chuyển SIM mình đăng ký cho người khác sử dụng mà không giao kết lại hợp đồng sẽ chịu xử phạt vi phạm hành chính đến 500.000 đồng.
Ngoài ra, theo Cục Viễn thông, khi xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các vụ án có liên quan tới số thuê bao di động do cá nhân hay tổ chức đứng tên chủ thuê bao, nhưng không trực tiếp sử dụng mà lại cho người có hành vi vi phạm pháp luật sử dụng, thì người đứng tên chủ thuê bao có trách nhiệm giải trình và chứng minh mình vô can khi cơ quan chức năng yêu cầu, thậm chí phải chịu trách nhiệm liên đới về hình sự nếu như hành vi vi phạm này gây hậu quả nghiêm trọng.