Từ các hội nhóm buôn bán SIM trên mạng xã hội tới các nền tảng thương mại điện tử, SIM 4G giá rẻ luôn là mặt hàng bán chạy. Thay vì những gói 4G chỉ vài GB mỗi tháng mà các nhà mạng đẩy mạnh quảng bá, phân phối, SIM 4G giá rẻ trên chợ mạng thường kèm những gói 4G "khủng" với giá cước chỉ chưa tới 100.000 đồng/tháng.
Giá rẻ gấp 3, không cần chính chủ
Cụ thể, những SIM 4G giá rẻ bán chạy nhất trên các chợ mạng thường là SIM D500, VD149 của VinaPhone, SIM V90, V120 của Viettel, SIM không giới hạn dung lượng 4G mỗi tháng của Vietnamobile hay SIM MDT250A của MobiFone. Đây là những gói cước giá rẻ, thường ở dạng dùng trọn gói 1 năm không cần nạp thêm tiền.
Sự tiện lợi của những dòng SIM này còn ở việc người dùng không cần đăng ký chính chủ thuê bao, chỉ cần mua về và thực hiện thao tác kích hoạt, SIM sẽ sử dụng được luôn mà không cần thông tin chính chủ.
Các loại SIM 4G giá rẻ không cần đăng ký chính chủ bán tràn lan trên các chợ mạng. |
Về giá cước, cùng một gói cước mà nhà mạng thu tiền hàng tháng của người dùng trả trước hoặc trả sau, những SIM 4G giá rẻ này có giá cước hàng tháng rẻ hơn, thậm chí không cần thanh toán theo tháng, chỉ cần mua SIM là có thể sử dụng liên tục 12 tháng.
Lấy ví dụ với gói cước V120 của Viettel, nhà mạng này thu cước hàng tháng của người dùng đăng ký gói là 120.000 đồng mỗi tháng, nhưng khi sử dụng SIM 4G giá rẻ trên chợ mạng giá cước của gói này chỉ còn 90.000 đồng mỗi tháng.
Giảm sâu hơn có thể kể đến SIM VD149 của VinaPhone. Thay vì chi trả 149.000 đồng mỗi tháng như SIM thường, người dùng SIM 4G giá rẻ mua trên chợ mạng chỉ phải thanh toán một lần duy nhất khoảng 680.000 đồng để mua SIM, dùng được trong 12 tháng. Mức giá này tương đương hơn 56.000 đồng một tháng, rẻ gần gấp 3 giá cước mà nhà mạng đưa ra cho cùng gói cước.
Theo quảng cáo của dân buôn chợ mạng, SIM 4G giá rẻ là loại SIM phù hợp với tài xế xe công nghệ, sinh viên, người dùng có nhu cầu sử dụng 4G liên tục với dung lượng lớn và giá rẻ. Khảo sát nhanh cho thấy giá của loại SIM này dao động từ dưới 100.000 đồng tới khoảng 700.000 đồng tùy gói cước, nhà mạng.
Sau khi đặt một SIM 4G giá rẻ dạng trên, Zing nhanh chóng nhận hàng và sử dụng được ngay SIM, không cần đăng ký bất kỳ thông tin thuê bao nào. Khi tra cứu thông tin thuê bao, hệ thống từ nhà mạng trả về thông tin chủ thuê bao là một người tên Long ở Trà Vinh cùng số CCCD đi kèm. Cũng theo người bán tư vấn, người dùng có thể gửi thông tin CCCD của mình để đăng ký chính chủ để yên tâm sử dụng SIM lâu dài.
Chia sẻ với Zing, một chuyên gia về viễn thông cho biết ngoài rủi ro bị xử phạt vì sử dụng SIM rác, người mua và sử dụng SIM không chính chủ còn có khả năng bị lừa đảo, mua phải những loại SIM không thể sử dụng được như cam kết.
"Bên cạnh đó, khi gửi thông tin để đăng ký chính chủ SIM mua trên mạng, người dùng còn có khả năng bị lấy cắp thông tin để đăng ký cho những SIM không chính chủ khác. Nhiều khả năng SIM 4G giá rẻ bán trên mạng cũng được đăng ký sẵn bằng cách sử dụng thông tin của các khách hàng trước đó", vị này cho hay.
Mạnh tay truy quét SIM rác
Để có cơ sở dữ liệu "sạch" nhằm triển khai các dịch vụ mới, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đang đẩy mạnh việc dọn rác viễn thông, bao gồm SIM rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác.
Trước đó, Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) đã yêu cầu các nhà mạng kết nối trực tiếp cơ sở dữ liệu đăng ký thông tin thuê bao với Cục Viễn thông. Bên cạnh đó, xây dựng và áp dụng các tiêu chí ngăn chặn hoạt động nghi ngờ trên kênh phân phối như không cho kích hoạt vào ban đêm, kích hoạt tần suất lớn quá 1 thuê bao/phút, 100 thuê bao/ngày, đăng ký quá 3 thuê bao/1 số giấy tờ.
Bộ TT&TT cùng các nhà mạng đang đẩy mạnh truy quét SIM rác và các loại rác viễn thông khác. Ảnh: Ngô Minh. |
Cũng theo cơ quan quản lý, các nhà mạng cũng triển khai công cụ nhận dạng trùng khớp ảnh chụp chân dung và ảnh giấy tờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn bộ kênh phân phối nhằm ngăn chặn việc sử dụng giấy tờ không hợp lệ, dùng ảnh thay cho việc chụp người thật…
Các nhà mạng gồm Viettel, VNPT và MobiFone cũng đưa ra những giải pháp mạnh tay chống SIM rác như dừng bán bộ hòa mạng tại các đại lý ủy quyền, dừng quyền đấu nối số thuê bao của đại lý ủy quyền kể từ 1/6/2020. Thay vào đó các doanh nghiệp sẽ tập trung việc bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao tại những điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của mình.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Nghị định 49, hành vi sử dụng giấy tờ của người khác (kể cả được cho mượn) hay chuyển SIM mình đăng ký cho người khác sử dụng mà không giao kết lại hợp đồng sẽ chịu xử phạt vi phạm hành chính đến 500.000 đồng.
Ngoài ra, theo Cục Viễn thông, khi xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các vụ án có liên quan tới số thuê bao di động do cá nhân hay tổ chức đứng tên chủ thuê bao, nhưng không trực tiếp sử dụng mà lại cho người có hành vi vi phạm pháp luật sử dụng, thì người đứng tên chủ thuê bao có trách nhiệm giải trình và chứng minh mình vô can khi cơ quan chức năng yêu cầu, thậm chí phải chịu trách nhiệm liên đới về hình sự nếu như hành vi vi phạm này gây hậu quả nghiêm trọng.