Trong bối cảnh viễn thông Việt Nam gần đạt điểm bão hòa, doanh thu trung bình người dùng (ARPU) của viễn thông Việt Nam liên tục trong nhóm thấp nhất châu Á 10 năm trở lại đây, các nhà mạng luôn trong tâm thế cạnh tranh tối đa ở từng dịch vụ.
Khi Thủ tướng vừa ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), cuộc đua giành miếng bánh thanh toán di động giữa các nhà mạng đã lập tức nóng lên.
Đua đăng ký thí điểm
Ngay từ khi Mobile Money mới chỉ sơ khai ở dạng đề xuất, cả Viettel, VinaPhone và MobiFone đã nhanh chóng chuẩn bị cơ sở hạ tầng, giấy phép cần thiết để triển khai sớm nhất dịch vụ này ngay khi được cấp phép.
Cả 3 nhà mạng đều đang gấp rút chạy đua hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giấy phép kinh doanh để "sắm" thêm vai trung gian thanh toán thông qua Mobile Money. Ảnh: VT. |
Năm 2019, cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VNPT (công ty mẹ của Vinaphone) đều đã đăng ký thêm ngành nghề "trung gian thanh toán", dọn đường cho việc cung cấp Mobile Money. Ngoài đăng ký thêm ngành nghề, các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, nhân sự để sẵn sàng cung ứng dịch vụ.
Cụ thể, Viettel cho hay không chỉ chuẩn bị trước hạ tầng và nguồn lực đáp ứng toàn diện các yêu cầu của Thủ tướng, Tập đoàn Viettel đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng.
Viettel cũng khẳng định với mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn quốc, nhà mạng này có năng lực đưa Mobile Money tiếp cận đến cấp xã phường tại các địa phương. Nhà mạng quân đội nhận định dịch vụ này sẽ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt mà không cần đến các hình thức ví hay tài khoản ngân hàng, điều mà người dân tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo gặp trở ngại.
Bên cạnh đó, nhà mạng này cũng có lợi thế nhất định nhờ trước khi được thử nghiệm Mobile Money tại Việt Nam, Viettel đã có kinh nghiệm triển khai thương mại tại 6/10 thị trường quốc tế, đặc biệt là nhiều quốc gia châu Phi. "Do đó về cách thức vận hành, chi phí, nhân lực đều đã được Viettel tính toán kĩ lưỡng", nhà mạng quân đội cho hay.
Tương tự, đại diện VNPT cho biết, hiện đã sẵn sàng về hạ tầng để triển khai dịch vụ Mobile Money. Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT (đơn vị triển khai dịch vụ Mobile Money của VNPT), dự kiến tuần sau, VNPT sẽ nộp hồ sơ xin thử nghiệm lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Về phía MobiFone, nhà mạng này chia sẻ vừa được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đây là điều kiện để nhà mạng tham gia thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money. Hiện MobiFone cũng gấp rút hoàn thiện hồ sơ (gồm phương án kỹ thuật, bảo mật…) để gửi NHNN đề xuất được triển khai dịch vụ này.
Cuộc đua Mobile Money giữa các nhà mạng cũng nhận được sự khuyến khích từ Chính phủ. Ngay trong quyết định đồng ý thí điểm Mobile Money đã nêu rõ, nếu hồ sơ của các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thì doanh nghiệp sẽ được triển khai dịch vụ ngay trong tháng 3 này.
Chiếc bánh nghìn tỷ đồng mỗi năm
Khó tăng thu ở cả viễn thông truyền thống và kinh doanh data, các nhà mạng đang liên tục tìm kiếm dư địa mới để phát triển, và Mobile Money được "bật đèn xanh" ở thời điểm không thể phù hợp hơn.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính tới cuối năm 2019, số người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng tại Việt Nam đã đạt đến 43 triệu, tương đương 63% người ở độ tuổi trưởng thành. Chỉ trong giai đoạn 2015-2019, số người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đã tăng gấp đôi.
Mobile Money tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đem về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho các nhà mạng. Ảnh: MIT. |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định ngành ngân hàng sẽ gặp khó trong việc tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng còn lại do số này phân bổ chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi các dịch vụ tài chính chưa thể vươn tới. Hiện Việt Nam có độ phủ viễn thông di động vào nhóm cao nhất thế giới khi số thuê bao gấp 1,3 lần dân số.
Nếu dịch vụ này được các nhà mạng cung ứng, 130 triệu thuê bao di động sẽ có khả năng thanh toán và tiếp cận các dịch vụ tài chính, đồng nghĩa với việc nhà mạng sẽ làm thay một phần công việc của ngân hàng. Theo ước tính, Mobile Money được coi là cơ hội mang lại cho các nhà mạng doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm. Doanh thu này vừa là dư địa mới, vừa bao gồm cả doanh thu thanh toán nhỏ của các ngân hàng.
Theo lãnh đạo một công ty triển khai Mobile Money thuộc nhà mạng, Mobile Money sẽ không biến nhà mạng và ngân hàng thành đối thủ cạnh tranh mà chính ngân hàng cũng sẽ hưởng lợi từ việc nhà mạng làm trung gian thanh toán.
"Hiện nay không có một ngân hàng nào ở Việt Nam phục vụ những khoản thanh toán nhỏ lẻ, chi tiêu siêu nhỏ hàng ngày. Với năng lực về công nghệ, hạ tầng, con người, các nhà mạng sẽ đào tạo người dân quen với thanh toán điện tử, quen với món chi tiêu vài chục nghìn, vài trăm nghìn đồng hàng ngày và khi họ cần chi tiêu những món lớn hơn như mua điện thoại, TV, mua nhà mua xe, họ sẽ nghĩ đến ngân hàng", vị này khẳng định.
"Nếu được cấp phép dịch vụ Mobile Money thì chỉ 'qua 1 đêm' tất cả người dân sử dụng dịch vụ di động đều có thể tham gia thanh toán không dùng tiền mặt", ông nói thêm.