Đây là chia sẻ của người đứng đầu Vụ Thanh toán, thuộc Ngân hàng Nhà nước tại buổi họp báo diễn ra chiều nay (5/6).
Cụ thể, ông Phạm Tiến Dũng cho biết, ngày 24/4, NHNN đã trình Thủ tướng dự thảo Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Theo kế hoạch, sau khi được Thủ tướng phê duyệt, doanh nghiệp viễn thông sẽ gửi đề án về đầu mối quản lý, sau khi được cấp phép thì mới triển khai dịch vụ này.
Vị lãnh đạo phân tích, bản chất của Mobile Money là sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản nên không cần lo lắng về vấn đề sim rác mở tài khoản thanh toán tràn lan.
Ông cũng cho biết thêm, sẽ không có chuyện sau một đêm thị trường xuất hiện 60 triệu tài khoản Mobile Money, do nhà mạng không được phép mở tài khoản tự động cho khách hàng.
“Khách hàng có quyền lựa chọn mở tài khoản hay không, mở tài khoản rồi sẽ được lựa chọn nộp tiền vào hay không. Kể cả khi đã nộp tiền vào cũng sẽ được lựa chọn có thực hiện thanh toán bằng Mobile Money hay không”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Phạm Tiến Dũng khẳng định khách hàng sẽ được lựa chọn có hay không việc mở tài khoản Mobile Money. Ảnh: NHNN. |
Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng cho biết, hiện dự thảo đang trong quá trình trao đổi giữa các bộ ngành, thời gian tới hoàn thiện để trình Thủ tướng bản dự thảo cuối cùng.
Báo cáo nghiên cứu về loại hình thanh toán Mobile Money của TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, dịch vụ này sẽ có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Theo đó, nhóm nghiên cứu cho biết, Việt Nam hiện có lượng lớn thuê bao điện thoại lớn, khoảng 129,5 triệu thuê bao (năm 2019). Trong đó, số điện thoại di động 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao, mạng điện thoại di động đã được phủ kín trên cả nước.
Ngoài ra, Việt Nam có khoảng 43,7 triệu người dùng smartphones (45% dân số năm 2019) và nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ người dùng internet cao (70,3%), tương ứng 68,5 triệu người.
Hiện tại, Viettel và VNPT cũng đã được NHNN cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.
Về phía nhu cầu, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt còn rất nhiều dư địa trong nước. Hiện mới có khoảng 63% người lớn (trên 15 tuổi) có tài khoản ngân hàng (theo NHNN), thấp hơn so với Trung Quốc (80%) và Châu Á Thái Bình Dương (70%).
Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong nước đến cuối năm 2019 là 11,33%, giảm 0,45% so với năm trước nhưng vẫn còn khá xa so với mục tiêu 10% vào cuối năm 2020.
Ngoài ra, số liệu của NHNN cũng cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đang có xu hướng gia tăng gần đây.
Tính trong 4 tháng đầu năm, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2019. Các giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,4% về số lượng và 129,5% về giá trị so với cùng kỳ.
Ngoài ra, thanh toán qua thẻ, internet và điện thoại di động trong thời gian này cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, kênh thẻ ngân hàng tăng 26,2% về lượng và 15,7% về giá trị; kênh Internet tăng 3,2% về lượng và 45,7% giá trị; kênh điện thoại di động tăng 198,8% về lượng và 21,9% về giá trị.