Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thông gió trong chung cư thế nào để tránh Covid-19 lây lan?

Theo chuyên gia y khoa, thông gió là chìa khóa quan trọng trong phòng ngừa dịch Covid-19. Nguyên tắc là lấy không khí sạch tự nhiên bên ngoài vào và đưa không khí bên trong nhà ra.

lay nhiem Covid-19 qua duong thong gio anh 1

Qua một số nghiên cứu thế giới cho thấy virus có thể lây lan theo chiều ngang lẫn chiều dọc hoặc thông qua ống xả hơi đường thoát chất thải, nhiều cư dân ở chung cư bất an trước nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2.

Trao đổi với Zing, các chuyên gia cho rằng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong căn hộ chung cư phụ thuộc nhiều vào thời điểm ra đời của chung cư, cách thiết kế kiến trúc, đường thông gió.

Kết hợp làm thông thoáng với giữ vệ sinh nơi công cộng, khử khuẩn các bề mặt thường tiếp xúc, thông gió thường xuyên là cách quan trọng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm.

Khác nhau giữa các hệ thống thông gió

Từ góc độ kết cấu của các căn hộ chung cư ở Việt Nam, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền nói việc lây nhiễm có thể phụ thuộc vào cách thiết kế hệ thống thông gió.

Chung cư có không gian ở thông thoáng, tiếp xúc trực tiếp nhiều với thiên nhiên thì khả năng lây nhiễm virus sẽ thấp.

Theo ông Truyền, có thể chia chung cư thành 2 loại là chung cư "đời cũ" và "đời mới" (được ra đời tầm 10 năm trở lại đây).

lay nhiem Covid-19 qua duong thong gio anh 2

Cư dân chung cư Giai Việt (quận 8) tập trung dưới sảnh để tiêm vaccine. Ảnh: Duy Hiệu

Chung cư "đời cũ" thường có hệ thống thông gió theo phương đứng ở giữa (thường gọi là giếng trời). Nhiều cửa sổ, nhà vệ sinh của căn hộ được thiết kế xoay quanh hệ thống thông gió nhằm hút khí thải thoát lên trời.

Ngược lại, đa phần không gian tại chung cư "đời mới" được thiết kế tiếp xúc với thiên nhiên, không còn tồn tại việc thông gió qua các giếng trời.

Do đó, với các chung cư thiết kế kiểu “đời cũ”, khi khí thải bay từ dưới lên theo ô thông gió thì tùy vào điều kiện môi trường xung quanh mà sự tồn tại của vius lâu hay không. Lúc này, khả năng lây lan theo con đường của giếng trời vẫn có thể xảy ra với điều kiện giếng trời đó thông trực tiếp vào cửa sổ của các căn hộ khác.

“Nguy cơ một người F0 đứng ở gần giếng trời thải giọt bắn ra ngoài và vô tình gây lây nhiễm cho người đứng ở gần cửa sổ các tầng lân cận là có thể xảy ra, nhưng khả năng này rất thấp", ông nói.

"Với đặc điểm khí hậu như ở TP.HCM thì không thể xảy ra trường hợp gió lùa từ trên lỗ thông gió xuống dưới và chui vào cửa sổ các chung cư nên không thể lây lan virus theo đường này mà chủ yếu là lây theo những cơn gió lùa theo phương ngang”, ông Truyền phân tích.

Hướng gió và hướng phòng

Kiến trúc sư (KTS) nhận định nguy cơ lây nhiễm virus theo phương ngang sẽ cao hơn so với phương đứng.

“Tại TP.HCM thường có 2 hướng gió chính là Tây - Tây Nam và Bắc - Đông Bắc, F0 sinh sống ở căn hộ đầu hướng gió thì những căn hộ cuối hướng gió có nguy cơ bị lây nhiễm. Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm qua khu vực hành lang chung cư sẽ lớn nếu thiết kế quá kín không có sự đối lưu không khí hay thông gió”, ông Truyền nói.

Theo chuyên gia kiến trúc, hệ thống nhà vệ sinh trong thiết kế của các chung cư thường được chồng lên nhau theo trục đứng. Trong các nhà vệ sinh sẽ có các quạt hút, các quạt này đi theo một đường ống chung và thải lên trên trời.

“Các quạt hút được bố trí van một chiều chỉ cho phép không khí đi từ nhà vệ sinh vào đường ống chung. Dưới các sàn nhà vệ sinh thường bố trí phễu thu nước, dưới phễu thường bố trí các con thỏ để ngăn mùi hôi và ngăn nước ở dưới xộc ngược lên. Nếu thiết kế và thi công đúng thì không thể lây nhiễm theo hệ thống trục đứng nhà vệ sinh”, ông Truyền lý giải.

lay nhiem Covid-19 qua duong thong gio anh 3

Dùng chung thang máy tiềm ẩn là một nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Ảnh minh hoạ: Hải Nam.

Do đó để tránh nguy cơ lây nhiễm trong chung cư, KTS này cho rằng nên tạo điều kiện cho các không gian ở phải thông thoáng, các cửa sổ nên mở toang thông ra với thiên nhiên.

Bên cạnh đó, hộ dân nên sử dụng quạt thổi hơn là dùng máy điều hòa, hạn chế việc “giao lưu không khí” với nhà hàng xóm. Trong phòng vệ sinh luôn giữ sạch sẽ, nếu phát hiện có mùi hôi thì cần giải quyết ngay, vì lúc đó đã xuất hiện sự "giao lưu không khí" theo phương đứng.

Ngoài ra, với những người F0 sử dụng thang máy, thải virus vào buồng thang cũng chính là nguồn lây virus. Sự đối lưu không khí trong thang máy bị hạn chế nên virus sẽ tồn tại ở đó làm nguồn lây cho những người tiếp theo sử dụng thang máy, đây là một trong những nơi bị nguy cơ lây nhiễm là cao ở chung cư.

"Điều đó cũng lý giải tại sao trong một chung cư các các F0 thường ở cùng một block. Ngoài ra, virus có thể lây nhiễm trực tiếp qua việc tiếp xúc các bộ phận như phím bấm thang máy, tay vịn trong thang máy nếu có bệnh nhân tiếp xúc trước đó", ông Truyền nhấn mạnh.

Cần thông gió đầy đủ

Trao đổi với Zing, bác sĩ Wynn Huỳnh Trần, PGS Y khoa tại Đại học Y khoa Northstate California, Sacramento (California, Mỹ), cho biết ở các khu chung cư, nhất là nơi có mật độ nhiều người chung sống và thông gió kém, virus SARS-CoV-2 có thể phát ra ngoài không khí qua các hạt li ti nếu người bệnh hắt hơi, nói chuyện to, hay cười nói.

Virus từ đó phát tán theo đường thông gió lên hay xuống tùy theo mùa dựa theo "nguyên lý stack". Đây là nguyên lý cơ bản của thông gió tự nhiên dựa vào sự khác biệt về nhiệt độ và áp lực giữa hai nơi.

Vào mùa đông, khi nhiệt độ ngoài trời lạnh hơn trong nhà, không khí nóng do nấu nướng, dùng dụng cụ bên trong nhà sẽ bay lên cao. Vào mùa hè, khi không khí bên ngoài nóng hơn, thì không khí có thể chạy ngược vào trong, đi xuống bên dưới.

"Tùy vào nhiệt độ chênh lệch mà không khí sẽ di chuyển theo các hướng khác nhau. Điều này cũng giải thích vì sao có thể lây nhiễm ngang giữa những căn hộ cùng tầng với nhau, không nhất thiết phải cao hay thấp", bác sĩ Wynn Huỳnh Trần nói.

lay nhiem Covid-19 qua duong thong gio anh 4

Tay nắm cửa, hành lang rất dễ lây lan virus nên cần được vệ sinh sạch sẽ. Ảnh minh hoạ: Chí Hùng.

PGS này cũng cho biết thông gió đầy đủ là chìa khóa quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Tùy vào vào vị trí phòng ngủ, tùy vào căn hộ, tùy vào hướng gió, thời tiết, mà mỗi người có thể tìm ra cách tối ưu hóa hệ thống thông gió. Nguyên tắc là tạo ra nguồn không khí di chuyển liên tục, lấy không khí sạch tự nhiên bên ngoài vào và đưa không khí bên trong nhà ra ngoài.

Bác sĩ Wynn Huỳnh Trần khuyến cáo nên kết hợp thông gió với các bệnh pháp phòng dịch khác, tạo ra nhiều lớp để ngăn ngừa bệnh Covid-19.

Trong nhà, mật độ virus SARS-CoV-2 từ người nhiễm bệnh Covid-19 cao hơn nhiều so với ngoài trời. Một luồng gió nhẹ cũng có thể làm giảm nhiều mật độ virus. Do vậy người dân nên mở thoáng các cửa sổ và cửa đi ra ngoài tự nhiên để lấy không khí sạch. Gắn thêm quạt để thổi không khí.

“Không vặn quạt tốc độ cao, không nhắm quạt vào người hay nhà khác mà nhắm quạt vào các khoảng mở trong nhà. Cách đơn giản là đặt một quạt ở bệ cửa sổ, hút hơi từ trong phòng ra ngoài và mở một cửa sổ khác để không khí tự nhiên đi vào. Chỉnh sửa và thay thế hệ thống máy lạnh để tối ưu hóa luồng gió, tạo ra sự di chuyển không khí liên tục”, PGS Wynn Huỳnh Trần lưu ý.

Ngoài ra, vị chuyên gia này khuyên nên dùng bộ lọc khí, đặc biệt là hệ thống HEPA ( high-efficiency particulate air) do EPA (Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ) khuyến cáo để lọc và tăng chất lượng không khí. Nên kết hợp làm thông thoáng với giữ vệ sinh nơi công cộng, khử khuẩn các bề mặt thường tiếp xúc.

Tại cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 sáng 13/8, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết hiện chưa có căn cứ khoa học để khẳng định virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua hệ thống thông gió của các tòa chung cư.

Theo ông Tâm, dù từng có nhận định biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua không khí, nhưng việc lây lan qua hệ thống thông khí là chưa có chứng cứ khoa học cụ thể.

"Tuy biến chủng này có thể lây trong không khí, nhưng với giọt bắn rất nhỏ. Nếu virus tồn tại ngoài môi trường có không khí nóng, virus sẽ chết ngay chứ không có khả năng lây lan", Phó giám đốc HCDC lý giải.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Chuyên gia đánh giá về nguy cơ Covid-19 lây lan ở chung cư

Theo chuyên gia, virus SARS-CoV-2 có thể phát tán trong các căn hộ chung cư theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Các mầm bệnh cũng có thể lây lan qua cống thoát nước nằm ở sàn. 

Chung cư ở TP.HCM lo ngại lây nhiễm Covid-19 qua đường thông gió

Cư dân tại một số chung cư ở TP.HCM lo ngại khi xuất hiện các ca mắc Covid-19 ở các căn hộ chung đường thông gió. Chuyên gia y tế nhận định có nguy cơ lây nhiễm nhưng thấp.

Ông Tây ở TP.HCM làm shipper 0 đồng

Phải ngừng việc ở trung tâm boxing vì dịch, Tchico xung phong làm shipper vận chuyển thực phẩm cho người dân khó khăn quanh phường Thảo Điền. 

Song tich cuc giua mua dich o TP.HCM hinh anh

Sống tích cực giữa mùa dịch ở TP.HCM

0

"Sống ở thành phố sôi động khiến mọi người bị cuốn vào vòng xoáy của học tập, công việc và nhiều thứ khác. Thời gian giãn cách là lúc để mọi người sống chậm hơn", anh Khang nói.

Anh Nhàn

Bạn có thể quan tâm