Đang trực ở phòng khám nha, bác sĩ Ryan Lee Kang Wook (quốc tịch Hàn Quốc) nghe tiếng chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia, một giọng nam rụt rè, nói điều gì đó bằng tiếng Việt, có nhắc đến tiêm vaccine ngừa Covid-19.
"Chơ mụt chút, chơ mụt chút” (chờ một chút - PV)", ông Wook nói vội rồi chuyển máy cho chị Tâm - trợ lý của mình - phiên dịch giúp.
Bác sĩ Lee Kang Wook đến Việt Nam 3 năm, hiện làm việc tại một phòng khám răng ở đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Một tháng nay, ông đã xung phong tham gia đội bác sĩ hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho người dân trong khu vực và nhận được rất nhiều cuộc gọi.
Tổng đài viên không rành tiếng Việt
“Tôi là người bị nhiễm HIV nhưng không ai xung quanh biết tôi bị bệnh. Phường vừa nhắc đăng ký tiêm vaccine ngừa Covid-19, có nên đăng ký không bác sĩ? Tôi sợ nói ra bệnh của mình sẽ bị mọi người kỳ thị”, người đàn ông gọi đến chia sẻ với chị Tâm sau khi bác sĩ Wook chuyển máy.
“Bác sĩ Wook hỏi anh bị bệnh này bao lâu rồi? Có triệu chứng gì không?”, trợ lý Tâm lại làm nhiệm vụ chuyển lời qua điện thoại.
Bác sĩ Ryan Lee Kang Wook xung phong tham gia đội bác sĩ hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho người dân quận Bình Thạnh. Ảnh: NVCC. |
Khi nghe người đàn ông trình bày đã nhiễm bệnh 5 năm, có uống thuốc ARV, cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, ông Wook tư vấn người nhiễm HIV không bị suy giảm miễn dịch nặng, điều trị thuốc ARV ổn định sẽ thuộc nhóm được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại các bệnh viện. Các điểm tiêm cộng đồng sẽ chưa thể hỗ trợ được các trường hợp như anh trong lúc này.
“Anh hãy tới chỗ bác sĩ thường khám cho mình để kiểm tra sức khỏe một lần nữa và tự đưa ra quyết định lần này. Dù anh lựa chọn thế nào thì tôi nghĩ mọi người sẽ luôn bên anh, đừng ngần ngại”, ông Wook nhờ chị Tâm thông dịch lại bằng tiếng Việt, nhắn đến người đàn ông gọi tư vấn.
Một lần khác, bác sĩ Wook nhận được cuộc gọi từ một người Hàn Quốc đang sống tại TP.HCM. “Tôi bị cao huyết áp, tim mạch nhưng ở thể nhẹ, chưa uống nhiều thuốc và muốn được tiêm vaccine. Tôi phải làm sao thưa bác sĩ?”, người đàn ông trung niên nói qua điện thoại.
“Được. Nếu sức khỏe tốt thì khả năng cao anh được tiêm vaccine”, ông Wook trả lời.
Tuy vậy, trực giác của người làm nghề y nhiều năm khiến bác sĩ Wook ngờ ngợ. Ông cẩn thận nhờ trợ lý kiểm tra xem người này từng đến phòng khám để khám bệnh hay chưa. Chị Tâm kiểm tra và cho biết người này đã đến khám răng, phòng khám còn lưu hồ sơ bệnh án.
Bệnh án lưu thông tin bệnh nhân người Hàn từng uống Aspirin, một loại thuốc chống đông máu.
“Tôi kiểm tra thấy ông từng uống thuốc Aspirin. Ông cần trình bày đầy đủ toa thuốc với bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm để bác sĩ quyết định. Tôi không chắc ông sẽ được tiêm vaccine, những ngày này luôn thực hiện 5K phòng dịch nhé”, ông Wook đưa ra lời tư vấn lần 2. Đây là lần vị bác sĩ này cảm thấy áy náy nhiều nhất.
“Phải chi từ đầu mình tỉ mỉ kiểm tra bệnh án của người ta thì đã không gieo cho họ hy vọng được tiêm vaccine rồi lại dập tắt hy vọng”, ông Wook nói với trợ lý Tâm.
Khách hàng của ông Ryan Lee Kang Wook đến từ nhiều nước trên thế giới. Họ thường đến nhờ vị bác sĩ này tư vấn và khám răng. Ảnh: NVCC. |
Hiện là tuần thứ 4, bác sĩ Lee Kang Wook tư vấn về thông tin dịch Covid-19 cho người dân. Công việc "tổng đài viên" này bắt nguồn từ lời kêu gọi của Trung tâm y tế quận Bình Thạnh, nhắn các y bác sĩ hỗ trợ tư vấn các bệnh nhân F0, hoặc các thông tin y tế khác trong mùa dịch.
Ông Wook cùng với 3 bác sĩ cung cấp số điện thoại công khai để người dân gọi tới bất cứ lúc nào. Một tháng nay, đã có vài chục cuộc gọi đến nhờ vị bác sĩ này tư vấn. Vì không thông thạo tiếng Việt, ông Wook luôn nhờ chị Tâm hỗ trợ khi người gọi đến là người Việt Nam.
Đối với những người Hàn, ông sẽ tự trao đổi. Tuy vậy, người Hàn ít gọi điện thoại mà hay nhắn tin qua một group chat. Họ chủ yếu hỏi về việc đăng ký tiêm vaccine hay cách tự chữa các bệnh thông thường khi phải hạn chế ra khỏi nhà.
“Một số người Hàn Quốc không đọc được báo tiếng Việt nên họ gặp một số khó khăn khi tìm hiểu về thông tin dịch bệnh. Những câu hỏi của họ thường liên quan đến việc tiêm vaccine, tôi phải đọc rất nhiều thông tin để tư vấn cho đúng với tình hình dịch bệnh hiện tại”, ông Wook chia sẻ.
Muốn giúp được nhiều người
Điều làm vị chuyên gia này hối tiếc nhất là không thể giúp nhiều người biết đến mình sớm hơn.
Khi nghe tin từ cộng đồng người Hàn tại Việt Nam thông báo là một người đồng hương, cũng là hàng xóm của ông tại Việt Nam vừa qua đời vì Covid-19, vị bác sĩ này đã suy nghĩ rất nhiều.
“Giá như tôi biết đến họ sớm hơn thì có thể giúp đỡ thuốc men, tư vấn để người này tự điều trị bệnh tại nhà thì có thể mọi chuyện đã tốt hơn”, ông Wook nói.
Tin buồn đến làm vị bác sĩ này mất ngủ. Vừa thương cảm cho người đồng hương kém may mắn, ông Wook càng nghĩ mình phải kết nối thêm cộng đồng người Hàn tại TP.HCM để giúp họ lúc cần. Vì thế, dù nhận được tin nhắn bất cứ giờ nào, ông cũng cố gắng trả lời chứ không nề hà.
Bác sĩ Ryan Lee Kang Wook trong lúc khám răng cho bệnh nhân tại phòng khám. Ảnh: NVCC. |
Công việc tổng đài viên khiến vị bác sĩ này thêm phần bận rộn. Ông trò chuyện nhiều hơn với đồng hương, ngoài bệnh tật, họ nói nhiều về cuộc sống và là chỗ dựa tinh thần của nhau lúc này.
Một mình đến Việt Nam từ năm 2018, bác sĩ Lee Kang Wook sống tại một chung cư thuộc phường 22 (quận Bình Thạnh).
Hàng ngày, ông dành phần lớn thời gian ở phòng khám Nha khoa Quốc tế Good Smile tư vấn và chữa trị răng cho bệnh nhân. Trước dịch, những lúc rảnh rỗi, ông thường chạy xe máy quanh các tuyến đường của TP.HCM, ngắm hoàng hôn và nhìn dòng người đông lúc, hàng dài xe máy nối đuôi nhau lúc tan tầm.
Từ khi dịch bệnh bùng phát, ông Wook chỉ đến phòng khám trực chứ hầu như không có bệnh nhân. Công việc gián đoạn rất nhiều và không khí ở thành phố nơi ông làm việc đã trầm lắng hẳn. Sống một mình ở Việt Nam, cộng với việc lo lắng cho người mẹ ở Hàn Quốc giữa dịch bệnh khiến vị bác sĩ đôi lúc thấy cô đơn.
“Tôi từng học tập và sinh sống ở Canada, Mỹ, nhưng cuối cùng lại chọn Việt Nam làm nơi sinh sống và làm việc. Tôi nhìn thấy ở đất nước Đông Nam Á này một tiềm năng phát triển lớn trong tương lai. Tôi mong dịch bệnh sớm qua đi để công việc được bắt đầu trở lại”, ông Wook nói với Zing.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.