"Giữa lúc thành phố ngổn ngang thế này, có lẽ thời điểm mặt trời lặn khiến mình cảm thấy bình yên nhất", Bùi Nguyên chia sẻ.
Bùi Nguyên (29 tuổi) sống tại một chung cư ở huyện Nhà Bè. Hơn hai tháng ở nhà, hôm nào anh cũng ngồi trước ban công ngắm bầu trời từ lúc chạng vạng đến tối hẳn, trừ những ngày nhiều mây, mưa gió.
Hoàng hôn ở TP.HCM trong mắt Nguyên là hai tầng không gian mang những dòng cảm xúc lẫn lộn. Ở trên là bầu trời đẹp và thơ mộng bao nhiêu, thì ở dưới là thành phố chen nhau, dòng người bận rộn bấy nhiêu.
36 cảnh hoàng hôn TP.HCM được Bùi Nguyên chụp trong khoảng thời gian cách ly xã hội, đăng trên trang Ở đâu cũng chụp. Ảnh: NVCC. |
“Có thời gian nhìn mặt trời lặn, với tôi như một phần thưởng cho ngày làm việc hiệu quả kết thúc đúng giờ. Đồng thời cũng là liều thuốc xoa dịu những âu lo, tiếp thêm nguồn động lực cho bản thân vào ngày tiếp theo”, chàng trai 29 tuổi giải thích lý do anh thích ngắm hoàng hôn.
Việt Anh (27 tuổi, quận 4) vào làm việc ở TP.HCM từ năm 2017. Đến đợt giãn cách tháng 4/2020, chàng trai Hà Nội mới "phải lòng" hoàng hôn thành phố này.
"Bình thường công việc của tôi ở trong phòng kín, đến khi tạm nghỉ ở nhà vì Covid-19, tôi mới phát hiện ra khung cảnh đẹp đến vậy”, Việt Anh nói.
Ở chung cư, Việt Anh có lợi thế chiêm ngưỡng hoàng hôn bao trùm thành phố từ trên cao. Sẵn thiết bị của công việc nhiếp ảnh, anh thường dựng sẵn máy ảnh để chụp phơi sáng hoặc chụp từ trên cao bằng flycam.
Cảnh hoàng hôn từ ban công căn hộ của Việt Anh ở quận 4. Ảnh: NVCC. |
Còn Nguyễn Sang (27 tuổi, quận Bình Thạnh) cho biết anh mê ngắm hoàng hôn, nên đã tập tành nghiên cứu khí tượng. Anh thường đăng ảnh lên trang cá nhân cùng các kinh nghiệm “săn” cảnh mặt trời lặn.
“Mùa hạ ngày dài hơn đêm nên thời gian hoàng hôn lâu hơn. Những hôm không mưa, ít mây thì cảnh đẹp hơn. Thời điểm lý tưởng để ngắm bắt đầu từ 17h30. Màu trời rực rỡ kéo dài khoảng một giờ, sau đó chuyển sang nền trời xanh thẫm tầm 30 phút trước khi tối đen”, Sang chia sẻ.
Địa điểm ưa thích của Nguyễn Sang là khu đất trống ở nóc hầm Thủ Thiêm, nơi có thể chụp được cảnh mặt trời lặn sau tòa Landmark81 hoặc Bitexco đặc trưng của thành phố. Những ngày giãn cách xã hội, anh thường ngắm hoàng hôn quanh các chung cư gần nhà, hoặc từ sân thượng nhà mình.
Hoàng hôn ở các khu chung cư quận Bình Thạnh. Ảnh: San San. |
Nguyễn Sang cho rằng vẻ đẹp của hoàng hôn đã lan tỏa và kết nối cộng đồng với nhau. Hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè thường tụ tập nay phải xa nhau, người vừa hết giờ làm việc tại gia, người thất nghiệp vì Covid-19… đều có thể ngắm hoàng hôn để tận hưởng những ngày giãn cách.
Bùi Nguyên thì cảm thấy may mắn khi có "đồng bọn" ở TP.HCM cùng chung sở thích ngắm mây trời. Hễ ai bắt gặp khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp thì sẽ nhắn cho các bạn còn lại.
"Nhiều người bảo đều là mặt trời lặn thì có gì mà xem, nhưng với chúng tôi, hoàng hôn mỗi ngày đẹp một kiểu khác nhau, khiến cả bọn luôn phấn khích, hào hứng khi ngắm”, Nguyên tâm sự.
Không riêng nhóm bạn của Nguyên, Việt Anh cho biết khi anh đăng ảnh hoàng hôn trên Facebook thì sẽ tạo “hiệu ứng dây chuyền”. Bạn bè của anh nhìn thấy sẽ ra chụp, rồi lần lượt khoe những bức ảnh cùng thời điểm nhưng khác góc.
Trong bối cảnh thành phố trầm lặng vì Covid-19, hình ảnh hoàng hôn có thể là liều thuốc bổ dành cho những ai mệt mỏi vì đại dịch. Ảnh: Dương Mai Việt Anh, Ý Linh, Sang Nguyễn. |
“Tôi thích ngắm hoàng hôn Sài Gòn trước khi giãn cách hơn. Lúc đó chúng ta nhỏ bé đứng giữa thành phố rộng lớn, giữa khung trời bao la mộng mơ thấy thích thú lắm. Mong Sài Gòn mau khỏe lại, tôi nhớ và thèm được chạy xe giữa phố chạy theo ánh mặt trời quá”, Bùi Nguyên trải lòng.
Hết giãn cách, chủ nhân trang Ở Đâu Cũng Chụp sẽ chạy xe dọc cầu Chà Và, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Ông Lãnh để đón khoảnh khắc chạng vạng hắt sáng trước khi cả vùng trời tối sầm lại, phía dưới là phố thị ồn ã bắt đầu sáng đèn, một sự chuyển giao thời khắc tuyệt vời.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.