Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ông Tây ở TP.HCM làm shipper 0 đồng

Phải ngừng việc ở trung tâm boxing vì dịch, Tchico xung phong làm shipper vận chuyển thực phẩm cho người dân khó khăn quanh phường Thảo Điền. 

ong Tay lam shipper 0 dong anh 1

Trưa 10/8, khu Thảo Điền (TP Thủ Đức) vắng người qua lại. Trên đường Xuân Thủy xuất hiện một ông Tây, đeo khẩu trang, mặc quần đùi, áo ba lỗ, tay chân mướt mồ hôi, chạy chiếc xe máy chất đầy gạo và cá hộp.

Đi được một đoạn, người này lại mở điện thoại xem đường. Gạo va vào đầu xe làm còi vang lên “bíp bíp” khiến ông hơi lúng túng.

Ông là Tchico (42 tuổi, quốc tịch Pháp), huấn luyện viên boxing. Đều đặn hơn 10 ngày qua, Tchico chở đồ ăn chia cho những người dân xóm trọ nghèo tại khu Thảo Điền.

Phát gạo, kêu gọi bạn bè góp tiền

Dừng trước con hẻm đường 59 phường Thảo Điền, Tchico loay hoay thì có hai người từ xóm trọ chạy ra.

“Ông Tây cho gạo đúng không?”, một người hồ hởi nói.

Không rành tiếng Việt, Tchico chỉ nói bập bẹ vài từ "Hanh, Hanh" (Hạnh, Hạnh - PV) rồi lần lượt trao gạo cho 11 nhà trọ ở đây.

“Hanh, Hanh” mà Tchico nhắc đến là chị Hạnh, người khởi xướng chiến dịch phát gạo từ thiện. Chị là chủ một cửa hàng điện thoại tại khu Thảo Điền, cùng bạn bè góp công, góp của chia sẻ khó khăn với bà con trong khu vực.

ong Tay lam shipper 0 dong anh 2

Tchico phát gạo cho người dân ở con hẻm đường 59 phường Thảo Điền. Ảnh: Anh Nhàn.

Trước khi Tchico đến giao hàng cho ai, chị Hạnh phải gọi điện báo cho người nhận. Khi thấy Tchico đến, mọi người đọc “mật khẩu” tên chị Hạnh là biết đã đúng người.

Tchico là khách hàng đến sửa điện thoại của chị Hạnh đã nhiều năm, thấy việc làm ý nghĩa nên ông ngỏ ý phụ một tay.

“Tchico nhiều lần nhắn cho tôi, hỏi có cần giúp gì không nhưng tôi ngại phiền nên cũng từ chối khéo. Đến khi thành phố thực hiện giãn cách đầu tháng 8, tôi tìm không ra người nên nhắn, 30 phút sau Tchico đã có mặt. Anh ấy chở tôi đi chợ mua trứng, gạo, mì tôm rồi lại chở chúng đến các khu nhà trọ cho người nghèo”, chị Hạnh kể.

Thấy ông Tây vất vả giữa trưa, người phụ nữ trung niên trong xóm trọ Thảo Điền chạy ra phụ vác gạo thì Tchico khua tay. Ông tự mình mang gạo phát đến từng nhà một cách vui vẻ.

“Ổng thích vác gạo lắm, cứ để ổng làm”, một người trong xóm trọ cười, như đã quen với hình ảnh của Tchino.

Xong việc, Tchico đưa tay làm ký hiệu “số 1”, cụng khuỷu tay từng người rồi tạm biệt. Họ giao tiếp ngắn ngủi và chủ yếu dùng nụ cười để biểu cảm.

ong Tay lam shipper 0 dong anh 3

Chị Hạnh chỉ đường cho Tchico đi phát gạo. Ảnh: Anh Nhàn.

Không có của nhưng có công, hàng ngày Tchico giao cả trăm phần quà đến từng hộ trong khu Thảo Điền nên nhiều người dân ở đây đã quen mặt ông.

Phần khác, ông cũng kêu gọi bạn bè của mình từ Pháp góp tiền gửi chị Hạnh, coi như thêm một phần cho những người kém may mắn. Bởi người nhận quà lần này không chỉ là người Việt mà còn có một số người nước ngoài “mắc kẹt” tại thành phố.

Họ cũng như Tchico - đang ở nơi xứ lạ một mình, không giỏi tiếng Việt và cần lắm sự trợ giúp lúc này.

Những lần lạc đường

Sau một chuyến hàng, Tchico lại quay về điểm tập kết gạo là cửa hàng của chị Hạnh. Ông sắp xếp từng bao gạo rồi xe nhanh chóng lăn bánh đến địa chỉ 10/1 đường 47, khu Thảo Điền.

Sau một hồi chạy vòng vèo, ông quẹo vào một con hẻm. Tiếng chó sủa làm vài người trong nhà chạy ra. Vừa nhìn thấy Tchico, họ đã nhận ra ngay.

“Ông Tây đi phát gạo đó, mà hình như nhầm nhà rồi, chắc ổng tìm xóm trong”, người phụ nữ trung niên từ trong nhà nói vọng ra.

Người này vừa dứt lời, một cô gái trẻ tuổi ra hỏi chuyện Tchico bằng tiếng Anh. Cô xem địa chỉ Tchico đưa và bảo anh quay xe lại, ra tới đầu hẻm rẽ phải rồi đi hết đường mới tới đúng địa chỉ.

Hai người đàn ông trung niên trong xóm vội phụ Tchico quay đầu, xe lăn bánh nhưng họ vẫn lo người đàn ông ngoại quốc lại nhầm đường.

Làm theo lời hướng dẫn, Tchico đã tới đầu hẻm đường 47 nhưng khu vực này đang phong tỏa.

ong Tay lam shipper 0 dong anh 4

Người dân đường 47 nhận gạo từ Tchico. Ảnh: Anh Nhàn.

May mắn lúc này có một nam shipper đứng gần đó. Người đàn ông ngoại quốc chỉ vào bao gạo, rồi chỉ tay vào ngôi nhà cuối hẻm như ra hiệu cho shipper. Tchico bấm số điện thoại người nhận hàng và đưa máy cho shipper nhờ chuyển lời.

“Có ông Tây chở gạo đứng ở đầu hẻm. Ổng không nói được tiếng Việt. Cô nhận hàng hay làm gì thì ra đầu hẻm 47, ngay chốt phong toả”, người giao hàng nói qua điện thoại.

Vài phút sau, từ bên trong 5 người chạy vội ra. Qua hàng rào, họ nhận gạo và nước tương từ chàng trai ngoại quốc và luôn miệng nói “thank kìu” - (cảm ơn - PV).

Đang phát gạo thì một phụ nữ trung niên bước ra, chân đi cà nhắc. “Chú cho tôi xin một bao gạo với, mấy nay tôi không có gì ăn chú ơi”, người này nói với Tchico.

Không biết tiếng Việt, nhưng dường như chỉ cần nhìn là Tchico đã hiểu được ý của người phụ nữ kia. Ông đưa số điện thoại chị Hạnh cho bà rồi ra dấu tay hãy gọi điện cho số máy này.

Sống ở Thảo Điền nhiều năm, nhưng chưa bao giờ Tchico thấy cảnh tượng ảm đạm như bây giờ. Người đàn ông này không ngờ khu vực vốn hào nhoáng nhưng trong những con hẻm sâu, vẫn có dãy trọ xập xệ và nhiều mảnh đời gặp khó giữa mùa dịch.

Nhiều cơ duyên với Việt Nam

Tchico là người Pháp, biết đến đất nước Việt Nam qua lời giới thiệu của người anh trai. Năm 2004, ông bay sang TP.HCM, sinh sống ở khu Thảo Điền và mở một trung tâm boxing đã 17 năm.

Công việc nhiều năm qua suôn sẻ nhưng từ hai năm nay nhiều lúc phải gián đoạn vì dịch. Mấy tháng nay, trung tâm đóng cửa nên Tchico không có việc làm.

ong Tay lam shipper 0 dong anh 5

Công việc phát gạo hơi cực vì phải chạy xe nhiều giữa thời tiết nóng nhưng Tchico thấy rất vui. Ảnh: Anh Nhàn.

Sinh sống lâu năm ở TP.HCM, Tchico yêu một cô gái Việt và họ có với nhau một em bé mới 3 tháng tuổi. Vợ con ở Biên Hoà (Đồng Nai), còn Tchico ở TP.HCM với một chú mèo. Dịch bệnh nên không thể đi thăm vợ con khiến ông rất buồn.

“Nhiều người lo lắng khi thấy tôi đi ra ngoài cả ngày giữa mùa dịch. Nhưng tôi đã được tiêm 1 mũi vaccine, cơ thể vẫn còn trẻ và tôi cũng đảm bảo tuân thủ 5K. Công việc có hơi cực vì phải chạy xe nhiều giữa thời tiết nóng nhưng tôi thấy rất vui. Mỗi lúc ra đường chạy ngang qua trung tâm boxing tôi đỡ nhớ công việc ”, Tchico nói với Zing.

Việt Nam đối với Tchico là đất nước tuyệt vời. Ở đây ông có gia đình, công việc và những người bạn. Người đàn ông Pháp mong dịch bệnh sớm qua đi để có thể thăm vợ con và công việc được quay trở lại như ngày thường.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Chung cư ở TP.HCM lo ngại lây nhiễm Covid-19 qua đường thông gió

Cư dân tại một số chung cư ở TP.HCM lo ngại khi xuất hiện các ca mắc Covid-19 ở các căn hộ chung đường thông gió. Chuyên gia y tế nhận định có nguy cơ lây nhiễm nhưng thấp.

Đến TP.HCM thăm bạn trai, cô gái Bỉ 'nghiện' đồ ăn ở đây

6 tháng ở TP.HCM, Lien Sterkens đã "phải lòng" các món ăn ở đây. Niềm đam mê ẩm thực khiến cô muốn quay lại thành phố khi hết dịch để tiếp tục trải nghiệm.

Bác sĩ Hàn Quốc thành tổng đài viên mùa dịch ở TP.HCM

Công việc nha khoa bị gián đoạn vì Covid-19, bác sĩ Wook trở thành "tổng đài viên" tư vấn sức khỏe miễn phí trong mùa dịch cho cả người Việt và người Hàn Quốc tại TP.HCM.

Song tich cuc giua mua dich o TP.HCM hinh anh

Sống tích cực giữa mùa dịch ở TP.HCM

0

"Sống ở thành phố sôi động khiến mọi người bị cuốn vào vòng xoáy của học tập, công việc và nhiều thứ khác. Thời gian giãn cách là lúc để mọi người sống chậm hơn", anh Khang nói.

Anh Nhàn

Bạn có thể quan tâm