Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thông điệp từ cuộc biểu tình áo choàng đen ở Kabul

Những phụ nữ mặc burqa che kín mặt và cơ thể để biểu tình ủng hộ Taliban hôm 11/9 như lời chỉ trích đối với Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến ở Afghanistan.

phu nu Afghanistan anh 1

Hàng trăm phụ nữ, nhiều người trong số họ mặc burqa - trang phục truyền thống của người Hồi giáo che kín mặt và cơ thể - đã lấp kín khán phòng của một trường đại học ở thủ đô Kabul, Afghanistan hôm 11/9 để ủng hộ Taliban và tư tưởng Hồi giáo của nhóm này.

Taliban cho biết cuộc biểu tình tại Đại học Giáo dục Shaheed Rabbani được tổ chức bởi các nữ giảng viên và sinh viên đại học.

Sự kiện này diễn ra sau cuộc biểu tình chống Taliban của phụ nữ Afghanistan đòi quyền bình đẳng vào tuần trước, theo New York Times.

Các chiến binh Taliban mang theo súng trường tự động đã ngăn không cho phóng viên tiếp cận những phụ nữ tham gia biểu tình hôm 11/9. Sau đó phóng viên cố gắng liên hệ với họ qua mạng xã hội và nhà trường, tuy nhiên không nhận được phản hồi.

Cuộc biểu tình được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm vụ tấn công ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Đây là lời nhắc nhở đanh thép rằng dù đã trải qua 20 năm và tiêu tốn khoảng 780 triệu USD cho việc thúc đẩy quyền phụ nữ, thì lịch sử của phụ nữ ở Afghanistan hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ trước, vẫn có thể lặp lại.

phu nu Afghanistan anh 2

Chiến binh Taliban đứng bảo vệ trong khi phụ nữ, nhiều người mặc burqa, diễu hành ủng hộ Taliban ở Kabul hôm 11/9. Ảnh: New York Times.

Cuộc biểu tình với burqa

Khi Taliban cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001, nhóm này cấm phụ nữ và trẻ em gái làm việc và đi học. Trên thực tế, họ bị cầm tù trong chính ngôi nhà của mình.

Ở nơi công cộng, phụ nữ buộc phải mặc burqa. Các nước phương Tây coi việc sử dụng trang phục này để hạn chế sự xuất hiện của phụ nữ nơi công cộng là biểu tượng cho sự áp bức của Taliban.

Cuộc biểu tình của những phụ nữ mặc burqa vào đúng ngày kỷ niệm 11/9 là lời chỉ trích gay gắt đối với Mỹ và các đồng minh, những nước vốn từ lâu đều coi quyền phụ nữ là lý do để kéo dài cuộc chiến ở Afghanistan sau khi Taliban bị lật đổ và Osama bin Laden bị ám sát.

Tại miền Nam Afghanistan, nhiều phụ nữ cũng mặc trang phục truyền thống của người Hồi giáo, bao gồm cả mạng che mặt, trong khi một số khác mặc burqa.

Kể từ khi Mỹ và các đồng minh rời Kabul vào ngày 30/8, để Afghanistan dưới sự kiểm soát của Taliban, phụ nữ nước này đã nhiều lần biểu tình đòi quyền bình đẳng và được tôn trọng.

Theo New York Times, lực lượng Taliban đã sử dụng bạo lực để trấn áp biểu tình, đánh đập người tham gia, kể cả phụ nữ. Nhóm này cũng nhấn mạnh bất kỳ ai xuống đường biểu tình công khai cần phải được chính phủ chấp thuận.

Bộ Giáo dục của chính phủ mới do Taliban thành lập cho biết những phụ nữ tham gia biểu tình ủng hộ Taliban hôm 11/9 đã yêu cầu, và được bộ cho phép tổ chức sự kiện này.

“Không giống như các cuộc biểu tình khác ở Kabul, đây là cuộc biểu tình thứ hai chỉ có phụ nữ tham gia, bất bạo động và các nhà báo được phép đưa tin về cuộc biểu tình một cách tự do”, Bộ Giáo dục của Taliban cho biết trong tuyên bố.

"Những người phụ nữ cũng hoan nghênh kế hoạch lớp học riêng biệt cho nam sinh và nữ sinh ở tất cả trường đại học và học viện, đồng thời cam kết rằng họ sẽ hợp tác để xây dựng Tiểu vương quốc Hồi giáo ở Afghanistan", tuyên bố của cơ quan này viết.

phu nu Afghanistan anh 3

Các tay súng Taliban theo dõi chặt chẽ cuộc biểu tình và không cho các phóng viên nói chuyện với những người phụ nữ diễu hành hôm 11/9. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, sự hiện diện của các chiến binh Taliban tại cuộc biểu tình hôm 11/9 cho thấy sự kiện này không chỉ được Taliban chấp thuận, mà có khả năng chính do Taliban tổ chức.

Đứng trên bục được trang trí bằng những lá cờ trắng lớn, một số phụ nữ tham gia biểu tình hôm 11/9 chỉ trích các cuộc biểu tình chống Taliban gần đây, nhấn mạnh rằng phụ nữ nên tuân theo quy định nghiêm ngặt của Taliban và phải mặc đồ che kín cơ thể.

Một phụ nữ cho rằng những người tham gia biểu tình chống Taliban tuần trước chỉ để được nổi tiếng ở phương Tây, theo New York Times.

Cô thừa nhận rằng những phụ nữ đó giữ vai trò quan trọng trong xã hội, bao gồm cả bác sĩ và giáo viên, nhưng họ không đại diện cho tất cả phụ nữ Afghanistan.

Sau khi rời khỏi khán phòng, những người biểu tình này tổ chức cuộc tuần hành ngắn, hô vang khẩu hiệu ủng hộ Taliban và giơ cao biểu ngữ.

Một trong số những biểu ngữ này viết: "Những phụ nữ rời Afghanistan không thể đại diện cho chúng tôi” và “Quyền của chúng tôi được bảo vệ theo đạo Hồi".

Lực lượng Taliban đã dọn đường cho xe bus chở những người phụ nữ này từ sân trường đi qua một số tuyến đường.

"Phụ nữ Afghanistan không theo chủ nghĩa cực đoan"

Ngay cả trước khi Taliban trở lại nắm quyền, Afghanistan đã đứng gần cuối trong mọi loại danh sách xếp hạng quốc gia có biện pháp bảo vệ phụ nữ. Nước này cũng đứng đầu danh sách quốc gia có nhu cầu cao về nơi tị nạn, cần được tư vấn và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ.

Sau 20 năm phương Tây viện trợ, trẻ em gái và phụ nữ chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên trong cả nước. Phụ nữ được tham gia quân đội và lực lượng cảnh sát, cũng như tham gia vào bộ máy chính trị. Một số trở thành ca sĩ được quốc tế công nhận, vận động viên thi đấu tại Thế vận hội và trong các đội thi robot, leo núi và hơn thế nữa.

Tuy nhiên, nhiều phụ nữ trong số đó do cảm thấy vô vọng vào tương lai với Taliban đã bỏ trốn khỏi Afghanistan.

Một đội bóng đá nữ từ thành phố Herat đã đến Italy, 5 thành viên của đội robot nữ Afghanistan đã đến Mexico và Zarifa Ghafari, một trong những nữ thị trưởng đầu tiên của Afghanistan, đã đến Đức. Tại đây, bà Zarifa Ghafari đã có cơ hội gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel.

phu nu Afghanistan anh 4

Phụ nữ vẫy cờ Taliban khi họ rời khỏi cuộc biểu tình vào ngày 11/9 ở Kabul. Ảnh: New York Times.

Viết trên Twitter, bà Ghafari bày tỏ sự phẫn nộ trước hình ảnh của những người phụ nữ tại trường đại học ở Kabul hôm 11/9.

"Đây không phải là văn hóa của chúng tôi! Phụ nữ Afghanistan không theo chủ nghĩa cực đoan, đừng biến họ thành những người dã man, đừng áp đặt văn hóa IS lên chúng tôi!”, bà Ghafari viết trên Twitter.

Khi Taliban công bố danh sách thành viên chính phủ mới thành lập ngày 7/9, các nước phương Tây cho rằng lực lượng này đã thất hứa, vì trước đó Taliban từng cam kết chính phủ mới sẽ đa dạng hơn, bao gồm các nhóm dân tộc và người thiểu số của Afghanistan.

Trên thực tế, chính phủ mới của Taliban chỉ toàn nam giới và là thành viên của lực lượng này.

Vài giờ trước khi danh sách chính phủ do Taliban thành lập được công bố, hàng trăm người Afghanistan, trong đó có phụ nữ, đã xuống đường biểu tình ôn hòa, yêu cầu Taliban tôn trọng quyền của họ.

Tuy nhiên, các chiến binh Taliban sử dụng súng trường và gậy gộc để ngăn cản cuộc biểu tình, khiến những người tham gia phải bỏ chạy.

Hôm 8/9, hai nhà báo Afghanistan bị giam giữ và hành hung dữ dội vì đưa tin về một cuộc biểu tình ở Kabul. Hình ảnh thu được cho thấy lưng của cả hai phóng viên đầy vết bầm tím và vết cắt vì bị quất liên tục bằng dây cáp. Điều này làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn thế giới.

Tay súng Taliban choáng ngợp khi vào dinh thự của cựu phó tổng thống Một đại đội 150 binh lính Taliban được bố trí ở trong dinh thự của cựu Phó tổng thống Afghanistan Abdul Rashid Dostum, người đã rời khỏi đất nước vào thời điểm Kabul thất thủ.

Ngoại trưởng Pháp: Taliban đang nói dối

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng Taliban đang nói dối và Pháp sẽ không có bất kỳ mối quan hệ nào với chính phủ mới thành lập của lực lượng này.

Buổi sáng đau thương đó kéo người Mỹ đến gần nhau

Điều tôi nhớ nhất về nước Mỹ cách đây 20 năm là nói chuyện với những người không quen trong khu phố về điều đã xảy ra. Tình yêu thương mang chúng tôi đến gần nhau.

Buổi sáng đau thương đó kéo người Mỹ đến gần nhau

Điều tôi nhớ nhất về nước Mỹ cách đây 20 năm là nói chuyện với những người không quen trong khu phố về điều đã xảy ra. Tình yêu thương mang chúng tôi đến gần nhau.

Đúng ngày 11/9, Taliban treo cờ ở dinh tổng thống

Một phát ngôn viên cho biết Taliban đã giương cao lá cờ của nhóm này trước dinh tổng thống Afghanistan hôm 11/9, ngày Mỹ kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9/2001.

Hương Ly

Bạn có thể quan tâm