Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Buổi sáng đau thương đó kéo người Mỹ đến gần nhau

Điều tôi nhớ nhất về nước Mỹ cách đây 20 năm là nói chuyện với những người không quen trong khu phố về điều đã xảy ra. Tình yêu thương mang chúng tôi đến gần nhau.

20 nam su kien khung bo 11/9 anh 1

Ông C. Martin Beck hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Coppin ở Baltimore, Maryland. Bài sau thể hiện quan điểm của tác giả, được viết cho Zing.

Điều tôi nhớ nhất vào buổi sáng ngày 11/9/2001 là văn phòng năn nỉ sếp cho phép di tản nhưng ông từ chối.

Tôi xem hình ảnh chiếc máy bay đầu tiên lao vào tòa nhà qua tivi trước khi lái xe đến Washington, D.C. Trên xe, tôi nghe tin một chiếc máy bay đâm thẳng vào tòa tháp thứ 2.

Khi tôi biết tin về chiếc máy bay thứ ba đâm vào Lầu Năm Góc, chưa đầy 13 km từ chỗ tôi đang ngồi, tôi gia nhập đám đông tháo chạy khỏi thành phố.

Như hàng triệu người khác, tôi đi thẳng về nhà với gia đình và ôm lấy họ. Chúng tôi nắm tay nhau xem tin tức, sợ hãi về âm mưu khủng bố có thể diễn ra trong những tuần tới.

Dĩ nhiên, có tức giận, phẫn nộ, và những lời kêu gọi báo thù - đối với bất cứ ai đó, bất cứ ai, bất cứ nơi nào hoặc người nào đe dọa chúng tôi. Nhưng đó không phải là ký ức sống động nhất của tôi về những ngày đó.

Điều tôi nhớ nhất lại là tình yêu thương - thứ mà cuộc khủng bố ngày 11/9 mang chúng tôi đến gần nhau.

20 nam su kien khung bo 11/9 anh 2

Một phụ nữ đang cố gắng trấn an người phụ nữ khác khi họ phải chứng kiến cảnh hai tòa tháp bốc cháy với hàng nghìn người kẹt lại bên trong. Ảnh: AP.

Tôi nhớ sự tử tế, đoàn kết của cộng đồng mà tất cả người tôi biết chia sẻ với nhau những tháng ngày sau đó. Buổi sáng đau thương đó hóa ra kéo người Mỹ đến gần nhau - điều mà chúng tôi không còn nhìn thấy từ sau Thế chiến II.

20 năm sau cái ngày kéo tất cả chúng tôi đến bên nhau, chia sẻ nỗi đau và mất mát, giờ đây, chúng tôi lại trở nên xa cách.

Tôi tự hỏi, sau hàng thập kỷ lao đầu vào cuộc chiến vô ích, điều gì có thể mang chúng tôi đến bên nhau một lần nữa?

Những ký ức khác nhau về ngày 11/9

Trong những tháng ngày sau vụ khủng bố, người lạ đối xử rất tử tế với nhau. Chúng tôi mỉm cười, nói chuyện nhiều hơn và hỏi han những người hàng xóm về tình hình của họ thường xuyên.

Quốc kỳ được treo khắp nơi như là biểu tượng rằng 50 bang từ 13 vùng thuộc địa đã trở thành một.

Bắt đầu từ sự sợ hãi, chúng tôi chia sẻ mối quan tâm chung. Từ đó, tình cảm cộng đồng khiến chúng tôi có thể đứng bên nhau chiến đấu chống lại những kẻ thù chưa biết tên, để đảm bảo rằng hàng triệu người sống sót sau vụ khủng bố, kể cả những người cách xa hàng nghìn dặm nơi sự kiện xảy ra, vẫn an toàn.

Đáng buồn thay, những ngày đó quá ngắn.

20 nam su kien khung bo 11/9 anh 3

Người đàn ông ở quận Liberty, Florida, treo cờ thể hiện sự ủng hộ của gia đình với nước Mỹ sau vụ khủng bố 11/9/2001. Bức ảnh chụp ngày 13/9/2001. Ảnh: AP.

Có một từ để diễn tả trạng thái cơ thể con người đấu tranh để trở lại trạng thái bình thường là homeostasis (cân bằng môi trường bên trong). Nước Mỹ có khả năng cân bằng và trở lại trạng thái bình thường.

Tôi nghĩ rằng đó là điều không thể tránh khỏi, mọi người mệt mỏi do lo lắng quá nhiều cho dù là lo lắng cho hàng xóm hay gia đình. Nhiều yếu tố, trong đó có sự đòi hỏi công lý mang đến nỗi sợ rằng kẻ thù, thật ra đang ở giữa chúng tôi.

Người Mỹ gốc Trung Đông sẽ nhớ thời gian sau sự kiện 11/9 khác những người Mỹ da đen và người Mỹ da trắng.

Khi tôi thấy khu chợ Trung Đông yêu thích ở thành phố Baltimore (bang Maryland) bị đóng cửa, tôi đã nghĩ: “Chà, nếu họ không có điều gì phải giấu giếm thì cũng chẳng cần phải sợ”.

Đạo luật Yêu nước ra đời sau vụ khủng bố, theo dõi tất cả, trao cho chính phủ quyền và công cụ chưa từng có để giám sát “Những người khác”. Dĩ nhiên, những quyền lực này bị lạm dụng. Đó là nước Mỹ, sau tất cả mọi chuyện.

20 nam su kien khung bo 11/9 anh 4

Những mảng khung thép còn lại của tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới sau vụ tấn công. Ảnh: AP.

Khi tình yêu phai nhạt thì nỗi sợ hãi lớn dần lên. Khi nỗi sợ hãi trỗi dậy, lịch sử chứng minh rằng người Mỹ da màu sẽ tổn thương. Nó luôn diễn ra theo cách như vậy.

Sự sợ hãi chúng tôi cảm thấy sau những vụ khủng bố này cũng có nghĩa là những người da màu phải gánh chịu bất công ở một nơi nào đó. Chúng tôi bắt đầu 20 năm chiến tranh với những người Trung Đông.

Cuộc chiến tranh chống lại hàng triệu người mà cuối cùng họ được chứng minh vô tội trước cáo buộc của chúng tôi.

Họ đã trở thành nạn nhân của lực lượng quân sự hùng mạnh thế giới.

Cái giá quá đắt

Sau 11/9, quân đội tuyển quân nhiều hơn. Tôi nghe Fox News nói với hàng triệu người xem về sự đòi hỏi phải trả thù Trung Đông, bất cứ nơi nào ở Trung Đông.

Tôi cảm thấy sự thay đổi xung quanh mình, tình yêu đối với những người thân được rút cạn để dành cho tình yêu nước mù quáng, thứ tình yêu với nước Mỹ mà chỉ có thể được diễn tả thông qua một cuộc chiến.

Em trai tôi nhập ngũ. Đứa cháu gái bé bỏng của tôi cũng sẽ nhập ngũ khi nó đủ tuổi.

Chúng tôi đã tấn công những đất nước để thể hiện tình yêu của chúng tôi với nước Mỹ và với cuộc sống tự do mà nó đại diện cho.

Đàn ông, phụ nữ, trẻ em, kẻ thù, những người vô tội, mục tiêu, người ngoài cuộc đã thiệt mạng trong cuộc chiến đó.

2.996 người Mỹ đã chết trong cuộc khủng bố ngày 11/9. Nhưng cái giá phải trả là 8.000 tỷ USD, 900.000 mạng sống đã tiêu tan kể từ khi cuộc chiến tranh bắt đầu. Cái giá phải trả chính trong lòng nước Mỹ thậm chí còn cao hơn.

20 nam su kien khung bo 11/9 anh 5

Bức ảnh chụp tòa tháp phía bắc thể hiện sự vô vọng cùng cực của những người kẹt lại bên trong: Một người từ tầng cao đã nhảy xuống, trong khi một người khác chơi vơi ở cửa số. Ảnh: AP.

Kể từ năm 2001, hàng nghìn người đã mất nhà cửa sau sự sụp đổ của thị trường tài chính bắt nguồn từ sự hám lợi của những ông chủ ngân hàng và thị trường chứng khoán. Nó dẫn đến sự ra đời của các phong trào mà nổi bật nhất là Chiếm phố Wall.

Từ 2015-2018, trung bình, cứ 77 ngày lại xảy ra một vụ nổ súng ở trường học. Tình trạng này chỉ giảm bớt khi đại dịch Covid-19 hoành hành và trường học đóng cửa, học sinh phải ở nhà. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành đòi công lý cho các nạn nhân.

Mỗi năm, tin tức đều đưa về những cảnh sát vô cớ giết người da màu, kéo theo đó là các cuộc biểu tình, bạo loạn. Nó cũng dẫn đến sự ra đời của phong trào Black Lives Matter, để đấu tranh cho công lý.

Từ khi đại dịch Covid-19 lây lan, hơn 640.000 người Mỹ đã chết, nước Mỹ lại chia rẽ sâu sắc về việc chuyện gì đang xảy ra.

Chúng tôi không có công lý cho những nhân viên y tế và người lao động trong các ngành thiết yếu khác - những người bị tấn công hàng ngày bởi những người tự xưng là yêu nước Mỹ và yêu tự do.

Điều nước Mỹ đánh mất sau ngày 11/9

Vào ngày kỷ niệm 20 năm sự kiện 11/9 và cuộc chiến chống khủng bố, chúng tôi đã rút lui.

Chúng tôi để lại một đất nước Afghanistan không tốt đẹp hơn, không an toàn hơn khi cuộc chiến bắt đầu. Chúng tôi đã tạo nên một thế hệ kẻ thù mới trong Al-Qaeda và Taliban.

Fox News và những công ty truyền thông của họ tiếp tục nuôi dưỡng nỗi sợ hãi rằng kẻ thù đang ở đây, giữa chúng ta hoặc đang xâm lược biên giới của chúng ta và rằng nước Mỹ đang bị xé ra thành từng mảnh nhỏ.

Em trai và cháu gái của tôi hiện an toàn ở nhà, nhưng hàng nghìn gia đình không thể nói điều tương tự. Chúng tôi đã nhận được những gì sau 20 năm qua?

Chúng tôi tiêu tới hàng nghìn tỷ USD và hy sinh hàng nghìn mạng sống. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ thương nhau như cách chúng tôi đã có, khi chúng tôi mới chỉ có một cảm giác nhỏ nhoi về sự thống nhất.

Một điều chúng tôi mãi mãi mất đi từ khi tòa tháp đôi New York sụp đổ là khả năng đối thoại.

Khi tôi đọc tin tức về việc rút khỏi Afghanistan, tôi phải cố gắng và rất cẩn trọng chọn nguồn tin tức để tránh những luận điệu tuyên truyền quá mức. Tôi cũng rất cảnh giác khi nói chuyện với người khác về vụ di tản vì e ngại nó có thể biến thành cuộc tranh luận chính trị.

20 nam su kien khung bo 11/9 anh 6

Thiếu tướng Christopher Donahue bước lên máy bay rời khỏi Kabul, đánh dấu sự kết thúc cho hai thập kỷ hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan. Ảnh: AP.

Điều tôi nhớ nhất về nước Mỹ cách đây 20 năm là nói chuyện với những người không quen trong khu phố về chuyện đã xảy ra.

Chúng tôi trao đổi hòa nhã, hỏi về sự an toàn và tình hình sức khỏe của nhau, chia sẻ nỗi đau bằng sự chân thành.

Chúng tôi vẫy chào khi xếp hàng, lịch sự giữ cửa, sẵn sàng lên tiếng chống lại những kẻ thù chung - những kẻ thực sự làm tổn hại đến chúng tôi. Bây giờ, người ta tấn công lẫn nhau vì quan điểm khác biệt.

Tôi phải thừa nhận rằng những điều dễ chịu tôi nói ở trên là trải nghiệm của một người Mỹ da trắng. Tôi có những đặc quyền như tôi chưa bao giờ phải đối mặt với sự hoài nghi và tôi nghĩ đó cũng là trải nhiệm của những lãnh đạo Mỹ.

Chúng tôi sợ kẻ thù của mình và yêu mến những người hàng xóm cho đến khi “tình trạng cân bằng môi trường bên trong” đưa chúng tôi trở lại với sự thờ ơ và thiếu tin tưởng vốn có. Tôi tự hỏi nếu chúng tôi quên đi việc nước Mỹ - với tất cả người dân với mọi màu da và niềm tin - có thể yêu thương nhau bất chấp những điều khác biệt?

Gần 3.000 người đã chết để mang đến điều đó vào 20 năm trước. Sau nhiều thập kỷ trở nên thờ ơ với cái chết vì nghèo đói, xả súng hàng loạt, tội ác thù hận, bệnh tật, chiến tranh, biến đổi khí hậu… một thảm kịch khủng khiếp đến mức nào mới có thể khiến chúng tôi biết yêu thương nhau một lần nữa.

20 năm đã qua từ ngày 11/9/2001

Nước Mỹ có hai thế hệ: Thế hệ đã sống qua vụ khủng bố ngày 11/9/2001, và thế hệ lớn lên trong một thế giới được định hình bởi ngày hôm đó.

20 bức ảnh lột tả sự thảm khốc của vụ khủng bố 11/9

20 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về thảm họa lịch sử ngày 11/9/2001 vẫn còn khắc sâu trong ký ức người dân thành phố New York và nước Mỹ.

C. Martin Beck

Biên dịch: Mộc Bùi

Bạn có thể quan tâm