Xòe tay mà ngắm thời gian
Đường dọc vừa sớm lối ngang đã chiều
Đá mềm nâng mỗi gót rêu
Ngàn năm phong kín bao nhiêu nẻo về.
***
Ai còn đắm giữa sông mê
Ai vừa rũ bụi, ai đi tìm người
Đi cho đau mỏi đất trời
Nổi chìm dâu bể ai thời biết ta.
***
Chùa gần thỉnh tiếng chuông xa
Bồ đề lẳng lặng xanh qua tháng ngày
Nỗi niềm cổ thụ ai hay
Nắng mưa không tuổi gió đầy trĩu vai.
***
Má đào thoắt đã đào phai
Mà xuân thoắt đã Giêng Hai rỡ ràng
Buồn vui thoắt đã cũ càng
Lòng tay sấp ngửa thời gian rối bời.
Bồ đề lẳng lặng xanh qua tháng ngày. Tranh: Phùng Nguyên Quang. |
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Bài thơ Thời gian của Nguyễn Bảo Chân đọng lại trong tôi như một tiếng thở dài. Đó là tiếng thở dài của người phụ nữ khi nhìn vào lòng tay và ngước lên năm tháng. Thật kỳ lạ, trong lòng tay tay bé nhỏ này, dường như ẩn chứa mọi câu chuyện của cuộc đời, thân phận.
Tiếng thở dài đi dọc bài thơ, chia thời gian thành hai chiều như một sự đối lập. Chỉ trong khoảnh khắc sấp ngửa bàn tay mà thôi, những đối lập ấy đủ làm cho ta tiếc nuối. Này em, những ngang dọc sớm chiều nơi lòng tay chẳng biện hộ được cho thời gian không tuổi. Những vết chân đi qua nghìn năm, có còn không dưới rêu xanh, dẫu đá kia có ân cần mềm lại? Ai còn mải mê, ai còn đắm đuối, có bao giờ thấy thoáng hiện giữa tay mình một bãi biển nương dâu?
Ai bảo thời gian tuần hoàn? Tôi tin rằng đó chỉ là lời dụ dỗ khiến con người quên đi sự ngắn ngủi, hữu hạn của đời sống. Nếu chỉ thấy bồ đề lẳng lặng xanh mà không nhận ra những nỗi niềm cổ thụ, cho rằng thời gian không tuổi mà lại bỏ qua dáng trĩu vai của gió, màu đào phai trên má, độ rỡ ràng của xuân thì đã dợm bước Giêng Hai… chẳng phải chúng ta đã quá vô tình sao?
Ngước mắt lên là những rối bời, nén tiếng thở dài như lòng tay khép lại, có ai nghe một tiếng chuông xa?