Em về để bắt đầu hai mươi
Mùa xuân từ căn nhà có cây lộc vừng hoa xoè bừng đỏ
Ngồi nhìn mưa phùn ướt đêm nằm trên lá ngủ
Lá ngả xanh xao như thể hai mươi sẽ phải mất rất nhiều
Về đội khăn tang lên đầu
Thắp nén nhang thơm cho giọt nước mắt còn nợ người thiên cổ
Mặc lại áo hồi lên năm, lên mười giờ cất vùi trong tủ
Để nhìn lại mình trước gương bằng cuộn phim đen đỏ ngày xưa
Gặp lại cậu bé hàng xóm lớn lên xa nhau, chỉ biết nói đùa:
“Đàn ông chúng mày một tay che trời, xa nào biết nhớ”
Nó cười: “Ai bảo thế, cứ xa là khổ!
Mày cứ đi đi rồi biết không đâu đầy đủ như ở nhà.”
Hai mươi hẹn lại một cuộc đi xa
Những chuyến bay một mình không có gì để dành ngoại trừ đơn độc
Mang đến chỗ người ta làm đứa trẻ ngày xưa hay khóc
Giờ cố bao nhiêu cũng chỉ để đó... sụt sùi
Chẳng biết lấy gì mà vui
Cắt tóc bao lần cũng không biết sao để hồn mình trẻ lại
Mà khóc, mà cười, mà yêu thương như hết lòng cả khi ngây dại
Hết lòng cho người ta... để cuộc hai mươi có thêm thứ để dành!
Tác giả Huyền Thư, ảnh FBNV |
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Nỗi buồn ngày chớm hai mươi là khi Huyền Thư nhận ra màu lá xanh xao, hơi áo thuở lên năm, lên mười ngủ quên trong góc tủ. Hai mươi, đã như dấu mốc của sự trưởng thành và hình như cô gái ấy bắt đầu cảm nhận được những điều sẽ mất đi khi nếp tuổi nhiều hơn.
Có phải thế hệ trẻ bây giờ dễ buồn, dễ khóc, dễ cô độc hơn? Một khóm lá xanh, một làn hương cũ, một câu nói, một chuyến đi, một ký ức, một dự cảm, một không gian xa lạ… dù không hẳn là bi kịch, nhưng luôn gieo vào lòng họ nỗi buồn, sự cô độc. Chẳng phải ngẫu nhiên mà thế. Tôi tin rằng, thế giới rộng mở, khả năng tương tác cao, những điều kiện vật chất văn minh tiện lợi, chính là nguồn cơn của trạng thái ấy.
Tuổi hai mươi sẽ lên màu phim cũ trong lần nào ngoái lại giữa mai sau, yêu thương, cười khóc hay đơn độc, cũng in hình năm tháng đã đi qua. Sống hết lòng cho mình và cho người ngày chớm hai mươi, bởi em hiểu rằng, hiện tại là ký ức của ngày mai.