chúng mình là những đứa trẻ cô đơn
tự đặt ra câu hỏi
tự trả lời
những câu trả lời không thuộc về đâu cả.
xa mà gần
gần mà xa
anh cất tiếng ca
em cười khúc khích.
***
chúng mình là những đứa trẻ cô đơn
phố đông người
mình đi tìm nhau mãi
mặt trời cất mình
quay lưng
uể oải
anh thấy em nằm trong một ngôi sao.
***
chúng mình là những đứa trẻ cô đơn
mỉm cười với nhau trong giấc chiêm bao mờ nhạt
em khe khẽ hát
anh thấp thỏm lòng sợ tiếng chuông reo.
***
chúng mình là những đứa trẻ cô đơn
đừng giận hờn nhau em nhé
thời gian đã già
hai đứa mình thì trẻ
yêu nhau
yêu nhau thôi.
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Thời gian đã già / hai đứa mình thì trẻ / yêu nhau / yêu nhau thôi… Tôi nghe người bán sách đọc đoạn thơ của Lu khi ghé chân vào một hiệu sách bên đường. Hóa ra, sự hồn nhiên, trong trẻo và đáng yêu của thơ vẫn có thể đi vào lòng người một cách dễ dàng như vậy.
Cứ ngỡ rằng tuổi trẻ ưa náo nhiệt, thích đông vui, phù hợp không gian đô thị. Thế nhưng, phía sau đó, những khoảnh khắc cô đơn, những âu lo thấp thỏm, những lạc lõng của người trẻ giữa phố đông lại ít ai để ý. Chúng mình là những đứa trẻ cô đơn đã chạm vào cái bóng của thực tại phố thị, nhận ra hơi thở lặng thầm trong bước chân uể oải, trong chiêm bao mờ nhạt. Họ tìm gì trong cô đơn ấy?
Nỗi cô đơn của thế hệ chẳng thời nào giống nhau. Bởi thế, sự chia sẻ lắm khi là vô vọng. Tìm nhau giữa phố đông, trong giấc mơ có thể là một niềm an ủi. Tuy nhiên, dường như ngay cả việc tìm nhau ấy cũng trở nên xa xôi: Anh thấy em nằm trong một ngôi sao. Mọi thứ dường như chẳng có gì đảm bảo, nỗi lo âu tiếng chuông làm tan vỡ chiêm bao mờ nhạt đã nói lên khắc khoải cô đơn của thế hệ trẻ.
Lạc lõng và có phần đáng thương như thế, sao lại phải giận hờn nhau? Bài thơ ngân vào ta một nhịp sống khác, để vượt qua nỗi cô đơn này: Yêu nhau/ yêu nhau thôi.