Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa
Xoá nhòa hết những điều em hứa
Mây đen tới trời chẳng còn xanh nữa
Nắng không trong như nắng buổi ban đầu.
***
Cơn mưa rào nối trận mưa ngâu
Xoá cả dấu chân em về buổi ấy
Gió phai nhạt mùi hương bối rối
Lá trên cành khô tan tác bay.
***
Mưa cướp đi ánh sáng của ngày
Đường chập choạng trăm mối lo khó gỡ
Thức chẳng yên dở dang giấc ngủ
Hạnh phúc con người mong manh mưa sa.
***
Bản nhạc ngày xưa, khúc hát ngày xưa
Tuổi thơ ta là nơi hiền hậu nhất
Dẫu đường đời lắm đổi thay mệt nhọc
Tựa đầu ta nghe tiếng hát ru nhau.
***
Riêng lòng anh, anh không quên đâu
Chỉ sợ trời mưa đổi mùa theo gió
Cây lá với người kia thay đổi cả
Em không còn màu mắt xưa.
***
Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa
Thương vườn cũ gẫy cành và rụng trái
Áo em ướt để anh buồn khóc mãi
Ngày mai chúng mình ra sao em ơi.
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Đọc thơ hay xem kịch của Lưu Quang Vũ, điều chúng ta cảm nhận được là một nỗi khắc khoải khôn nguôi về đời sống và thân phận con người, thân phận hạnh phúc. Không phải bằng những mệnh đề siêu hình to tát, khắc khoải ấy hiện ra trong nỗi sợ - sợ cơn mưa.
Cơn mưa là một biểu tượng bao trùm trong bài thơ của Lưu Quang Vũ. Từ cơn mưa rào đến trận mưa ngâu, những cơn mưa chuyển mùa, những đổi thay của năm tháng đã gieo vào tâm hồn vốn nhiều ưu tư của Vũ bao nỗi âu lo. Lời hứa của em, dấu chân của em, làn hương trên gối, ánh nắng của ngày, cây trái trong vườn, màu mắt tin yêu… liệu có nhạt nhòa sau mưa gió của đời?
Cùng biểu tượng mưa - như sức mạnh bể dâu, trong bài thơ của Lưu Quang Vũ, ta còn bắt gặp một hệ thống biểu tượng khác, tượng trưng cho thân phận và đời sống (em, nắng, trời xanh, khúc hát, giấc ngủ, khu vườn, ánh sáng, lá khô tan tác, gẫy cành rụng trái). Tất cả đều bị đặt trong sự vây bủa của mưa, thế nên, niềm âu lo chẳng bao giờ dứt. Áo em ướt là một dấu hiệu biểu trưng, một dự cảm buồn bã dưới cơn mưa không gì che chở. Dưới những cơn mưa này, nỗi sợ của Lưu Quang Vũ dành cho tất cả chúng ta.