Ngủ đi nước mắt
hàng đêm xanh sương mù
phố núi đêm nay lạnh hơn
***
đi thôi
cả vầng trăng rồi cũng là số phận
làm chòng chành con đường
đêm đang hát như người bị phụ tình
bài ca lá bay xuống đất
***
đừng nhắc
li ti trên ghế đá
tháng năm đã nguội
chuyến xe lam người lấp lên người
ngày về ra mắt mẹ
em xanh non bên tách trà
những câu chuyện mặt bàn loang lổ
***
đừng gửi nữa
lá thư ký ức phủ đầy mây
hãy tha thứ giấc mơ có người mang gió trên vai
trong túi vải ca rô màu đỏ
làm rơi…
***
có gì đâu mà khóc
ngủ đi nước mắt
dài và xanh sương mù
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Tôi đọc nhiều lần bài thơ của Lê Vĩnh Tài để gắng thâu tóm hay định hình ấn tượng của mình. Khi thì tôi thấy hiện lên một phố núi hoang vu, dài và xanh sương mù; khi thì một ghế đá buồn lạnh lẽo; khi thì một mảnh trăng cô lẻ; khi thì một kẻ lãng du mang gió trên vai… Cũng có khi, tôi nhận thấy một vệt ký ức phủ đầy mây bởi người ta không muốn, không nỡ chạm vào tháng năm đã nguội. Cứ thế, mỗi mảnh hình dung chắp nối, đan cài vào nhau, tạo thành bức tranh phận người chắc hẳn mang nhiều chông chênh, trắc trở.
Bài thơ buồn trong phần lớn tiết nhịp của nó. Một lần thôi, bức tranh ấy sáng lên là ngày em về ra mắt mẹ: "Em xanh non bên tách trà". Nhưng có lẽ, vệt sáng ấy chỉ làm nước mắt thêm đau và ngày tháng thêm dài xanh sương mù.
Bài thơ như một lời an ủi, với tất cả những gì đã đi qua, chòng chành như số phận. Người mang gió trên vai hẳn đã hình dung ra con đường trước mặt, những dự cảm đơn lẻ và bội bạc. Trong sâu thẳm dài xanh sương mù kia, nước mắt rồi có ngủ yên?