Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời đi học của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu

Chuyện chuyển trường, học tập, yêu đương ở tuổi 16 được bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu kể trong cuốn “Gửi quá khứ một hộp thời gian”.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu là đại biểu Quốc hội và chuyên gia tim mạch. Ông kể câu chuyện về tuổi 16 của mình trong cuốn Gửi quá khứ một hộp thời gian (Nhà xuất bản Kim Đồng).

Đây là cuốn sách tập hợp bài viết của 38 người thành công, để lại dấu ấn trong lĩnh vực của mình. Các tác giả cùng viết thư gửi tuổi mới lớn, ngưỡng cửa trưởng thành của bản thân.

Bac si Nguyen Lan Hieu anh 1

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Bá Chiêm.

Cú sốc chuyển trường

Câu chuyện tuổi 16 của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu bắt đầu bằng sự kiện chuyển trường. Cậu học sinh khi ấy vốn học trường Thực Nghiệm từ lớp 1 đến lớp 10, theo đủ môn nghệ thuật nhưng “giỏi mỗi việc học các môn tự nhiên”.

"Khi vừa học xong lớp 10 thì trường Thực Nghiệm bị giải tán cấp 3", tác giả kể. Cậu học sinh Nguyễn Lân Hiếu là một trong “gần 120 cô cậu học trò láo nháo, vừa dậy thì đã bị tống ra đường, tự đi tìm trường cấp 3 khác mà vào học”.

Cuối cùng, Nguyễn Lân Hiếu thi vào lớp chọn của trường Lý Thường Kiệt do gần nhà. Ba môn thi là Toán, Văn, Tiếng Nga thì có tới hai môn sở trường. Duy chỉ môn Văn do chương trình công nghệ giáo dục ít học văn học Việt Nam, nên khi đề ra về chị Sứ (nhân vật trong tác phẩm Hòn đất của Anh Đức), cậu học sinh trường Thực Nghiệm đã mô tả nhầm thành chị Út Tịch (nhân vật trong tác phẩm Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi).

Kết quả, cậu học trò Nguyễn Lân Hiếu nhận điểm 2 môn Văn. Với điểm cao môn Toán và Tiếng Nga, cậu được nhập học và là học sinh dự bị. Chuyển môi trường, cậu học sinh này cùng hai bạn từ trường cũ có nhiều xáo trộn.

Những chuyện “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” cũng được kể lại. Điểm môn Văn của nam sinh Nguyễn Lân Hiếu được cải thiện nhờ bí quyết đọc và học theo những gì các nhà phê bình văn học viết, mà sách ấy có nhiều trong tủ sách đồ sộ của ông ngoại.

Chuyện quay bài hy hữu cũng được tác giả kể lại. Do môn Tiếng Nga là sở trường, cậu học sinh chủ quan không học, đến khi thi học kỳ mới cuống lên. Vừa lò dò mở sách, cậu bị cô hiệu trưởng “đi tuần" tóm được.

“Một chú ngỗng tròn trĩnh trong học bạ không làm tôi buồn bằng ánh mắt nghiêm khắc của cô”, tác giả kể lại.

Sau này, khi trở thành bác sĩ, cậu học sinh năm xưa có dịp chữa bệnh cho cô giáo. Dù chỉ nhìn thấy cô từ xa, vị bác sĩ vẫn cảm thấy bối rối vì kỷ niệm năm nào.

Bac si Nguyen Lan Hieu anh 2

Sách Gửi quá khứ một hộp thời gian. Ảnh: Y Nguyên.

Những bức thư trong ngăn bàn

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu dành dung lượng bài viết cho chuyện tình cảm thuở mới lớn.

Thời đó, mạng xã hội không có, phương tiện liên lạc cũng hạn chế, nên người ta làm quen nhau qua những bức thư: “Vào một chiều đông, cuối học kỳ một năm lớp 11, khi vừa đút cặp vào ngăn bàn thì tôi thấy một tờ giấy gập tư ở cái vị trí mà người đi ngang qua không thấy được, nhưng nếu là chủ nhân cái ngăn bàn ấy chắc chắn sẽ phát hiện ra. Mở ra, là một bức thư làm quen của bạn gái lớp sáng cũng ngồi ở vị trí của tôi”.

Những bức thư qua lại trong ngăn bàn được viết bằng cả sự xấu hổ, mộng mơ, hồi hộp: "Những quyển truyện được trao đổi qua cái ngăn bàn thần thánh, những bài tập toán tôi giúp nàng giải hay những cây thơ Nguyễn Bính được nàng nắn nót chép cho tôi... Mọi thứ thật đẹp", bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nhớ lại.

Cho đến giữa học kỳ II lớp 11, họ quyết định gặp mặt. Buổi gặp mà chàng học sinh lớp 11 tưởng tượng sẽ lãng mạn cuối cùng thành cuộc hẹn ba người. Cô gái dẫn theo bạn thân của mình đến nơi hẹn khiến cả ba đều lúng túng, “ấp a ấp úng”. Hóa ra đôi bạn thân ở lớp học ca sáng cùng đọc thư và là “đồng tác giả” của những bức thư hồi âm.

Sau cuộc gặp, họ chia tay “khá nhạt nhẽo, không có hẹn gặp lại và cũng chẳng có hộp thư bí mật nào được thiết lập sau đấy”. Mối tình học trò chưa kịp chớm nở đã phụt tắt.

Hết tuổi 16, bước sang tuổi 17 là năm mà cậu học trò Nguyễn Lân Hiếu vào lớp 12 cuối cấp. Tác giả kể: “Tự nhiên mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Mọi việc đều gác sang bên cạnh để nhường cho công cuộc luyện thi đại học hãi hùng. Đến giờ này, thỉnh thoảng, trong giấc mơ, tự nhiên tôi lại thấy mình đang ôn thi đại học… Tuổi 16 đã kết thúc và kết thúc luôn những tháng ngày mộng mơ của tôi”.

Giờ đây, khi đã là cha của con trai vào tuổi 16, 17, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho rằng giữa hai thế hệ có sự khác biệt rõ rệt. Bởi vậy, ông kể trung thực những gì mình đã trải qua không mong thế hệ sau rút kinh nghiệm, chỉ hy vọng chia sẻ của mình sẽ hạn chế phần nào việc lặp lại sai lầm mà lớp trước mắc phải.

“Các con cứ sống đúng như mình nghĩ vì chẳng quay lại được tuổi 16 hai lần trong một cuộc đời. Hãy chơi, hãy yêu bằng con tim, sức vóc của những chàng trai, cô gái và luôn nghĩ cuộc đời thật bí ẩn, nhưng cũng thật thú vị khi khám phá”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu viết.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: 'Tôi chưa thấy bác sĩ nào giỏi mà nghèo cả'

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói thu nhập của bác sĩ trẻ thường chưa cao, nhưng khi đã vững tay nghề, có uy tín thì không ai nghèo cả.

‘Câu chuyện từ trái tim’ của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu

Ghi chép, phân tích về các vấn đề y tế, giáo dục của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu có trong cuốn “Câu chuyện từ trái tim”.

Đỗ Thu

Bạn có thể quan tâm